Chiếc thìa chống rung: sản phẩm hỗ trợ người mắc bệnh run tay
“Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm thìa chống rung hỗ trợ bệnh nhân mắc chứng run tay” là tên đề tài do nhóm tác giả sinh viên Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN thực hiện.
Nhóm gồm Đặng Hải Ninh, Phạm Hoàng Thái, Phạm Văn Thắng, Nguyễn Đức Kiên, với sự hướng dẫn của giảng viên TS. Nguyễn Ngọc Linh.
Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi ngắn với đại diện nhóm nghiên cứu, sinh viên Đặng Hải Ninh.
– Lý do để nhóm thực hiện đề tài này?
Parkinson và run tay là căn bệnh phổ biến tại thời điểm ngày nay và ở mọi độ tuổi. Nó làm con người gặp phải nhiều khó khăn khi dùng bữa, điển hình như mất vệ sinh do đồ ăn rơi vãi hay thời gian ăn của họ bị kéo dài.
Dựa vào tình trạng đó, team đã nảy ra ý tưởng chế tạo ra thìa chống rung sử dụng mạng PID neural network (PIDNN) để điều khiển và cần bằng chiếc thìa. Ngoài ra, nhóm còn tạo thêm một ứng dụng trên điện thoại để giúp cho bác sĩ và người bệnh dễ dàng theo dõi tình trạng căn bệnh của họ.
Hơn nữa, để hỗ trợ bác sĩ trong việc theo dõi và phỏng đoán căn bệnh, team đang nghiên cứu và thử nghiệm thuật toán Decision tree dựa vào dữ liệu đã được chuẩn đoán của bác sĩ.
Chứng run tay hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên chứng run tay gây nhiều ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người bệnh như giảm hoặc mất khả năng lao động, không tự thực hiện được các hoạt động cá nhân hàng ngày. Bệnh nhân nặng cần người chăm sóc dẫn đến tăng gánh nặng lên các hệ thống phúc lợi xã hội.
– Mục tiêu mà nhóm đặt ra là gì?
Việc làm giảm tác động của chứng run tay, giúp bệnh nhân có thể tự chủ một phần các sinh hoạt cá nhân là chìa khóa giúp giảm gánh nặng xã hội cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân.
Một trong những công việc hàng ngày quan trọng nhất mà bệnh nhân run tay thường gặp nhiều khó khăn là quá trình ăn uống, do đó nhóm lựa chọn đề tài thiết kế thiết bị thìa chống rung giúp người bệnh run tay có thể tự thực hiện việc ăn uống với rất ít sự trợ giúp của người chăm sóc.
Chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu cơ sở lý thuyết mô hình điều khiển PID Neural network; Xây dựng mô hình Matlab/Simulink kiểm chứng lý thuyết; Thiết kế thiết bị thực tế sử dụng bộ điều khiển PIDNN.
– Các bạn đã dùng phương pháp nghiên cứu ra sao?
Chúng tôi đã áp dụng Nghiên cứu lý thuyết và mô phỏng kiểm thử bộ điều khiển sử dụng Matlab; Lập trình triển khai bộ điều khiển trên vi điều khiển và Thiết kế, lắp ráp thân vỏ và đánh giá khả năng hoạt động.
– Có một bàn tay hỗ trợ cho bệnh nhân bị bệnh run tay hay sao? Bạn nói rõ hơn về điều này được không?
Không, chúng tôi sử dụng cảm biến gia tốc ở bên trong chiếc thìa để đo đạc lại mức độ rung của tay, và dựa vào đó, chúng tôi sử dụng mạng PIDNN để điều khiển và cân bằng lại chiếc thìa khi người dùng sử dụng. Ngoài ra, chúng tôi còn tạo ra ứng dụng trên điện thoại nền tảng Android để giúp người dùng theo dõi được mức động rung của tay họ hàng ngày.
– Suy nghĩ của bạn về hoạt động NCKHSV? Hoạt động này mang đến cho bạn những gì?
Đây là hoạt động rất bổ ích và thú vị dành cho các bạn sinh viên ở trường đại học. Hoạt động SVNCKH hàng năm giúp cho người học giao lưu, học hỏi và tìm hiểu thêm những project, ý tưởng của các bạn khác. Cùng với đó, từ hoạt động này, chúng tôi có thể nhận được những góp ý, phản hồi từ những giảng viên, nhà khoa học và những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực công nghệ mà sinh viên đang theo đuổi.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu và phát triển ứng dụng trên chiếc thìa nhưng các thành viên trong nhóm luôn có sự phân công và hỗ trợ lẫn nhau.
– Các Thầy Cô đã hỗ trợ các bạn ra sao?
Các thầy, cô luôn nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi không chỉ ở lĩnh vực công nghệ mà còn những kĩ năng mềm như thuyết trình để giúp cho các chuyên gia, các ban giám khảo có thể hiểu rõ được mô hình của chiếc thìa này.
– Kết quả nghiên cứu là một sản phẩm rõ nét, các bạn có tiếp tục phát triển theo hướng ứng dụng – chuyển giao hay không?
Chúng tôi rất muốn đưa sản phẩm này vào thị trường vì thời gian gần đây, tỉ lệ người mắc bệnh rung tay gia tăng rất cao. Khi sản phẩm được dùng nhiều hơn trong thực tiễn thì cũng là cơ hội để chúng tôi có dữ liệu hoàn thiện sản phẩm hơn. Chúng tôi hỗ trợ người dùng trong việc ăn uống và chuẩn đoán được mức độ căn bệnh của họ thông qua độ rung của chiếc thìa.
Trân trọng cảm ơn Đặng Hải Ninh cùng các bạn trong nhóm.
Đại diện nhóm tham gia một cuộc thi ý tưởng quốc tế
Theo Đỗ Ngọc Diệp (VNU Media)