VAV – Trợ lý ảo cho người Việt trên nền tảng di động
Các “trợ lý ảo” trên smartphone như Apple Siri, Microsoft Cortana và Google Now đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên rất ít người dùng Việt Nam sử dụng những “trợ lý ảo” này do chúng không tối ưu cho người Việt và chưa phân tích và nhận diện được ý định của người dùng trong câu lệnh nói tiếng Việt.
Trước thực tế này, nhóm tác giả MDN-Team (thuộc Phòng Thí nghiệm Khoa học Dữ liệu và Công nghệ Tri thức, Khoa CNTT, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN) đã phát triển một ứng dụng “trợ lý ảo” dành riêng cho người Việt, với tên gọi VAV (Virtual Assistant for Vietnamese). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Xuân Hiếu – Trưởng nhóm phát triển sản phẩm.
Xuất phát từ đâu mà MDN-Team có ý tưởng phát triển một ứng dụng trợ lý ảo dành cho người Việt, thưa Tiến sĩ?
Các trợ lý ảo trên di động như Apple Siri, Microsoft Cortana và Google Now đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên rất ít người dùng Việt Nam sử dụng những trợ lý ảo này bởi ít nhất hai lý do và đây cũng là động lực chính để MDN-Team quyết định phát triển Trợ lý ảo VAV cho người Việt chúng ta
Thứ nhất, Siri, Cortana hay Google Now chưa thực sự hiểu ngôn ngữ Việt. Phân tích và hiểu ngôn ngữ tự nhiên từ lâu đã là hướng nghiên cứu khó khăn và đầy thử thách bởi sự đa dạng, phong phú trong cách con người diễn đạt vấn đề cũng như sự nhập nhằng về mặt câu từ. Đây là khó khăn chung cho mọi ngôn ngữ và đối với tiếng Việt, việc xử lý còn khó khăn hơn nhiều do chúng ta đi sau và còn thiếu nhiều tài nguyên quan trọng. Tuy vậy, MDN-Team đã có những giải pháp gọn nhẹ nhưng hiệu quả để vượt qua những khó khăn trên khi phát triển VAV. Thứ hai, Siri, Cortana … chưa tối ưu về mặt thông tin và tính địa phương hóa cho người dùng Việt. Rất nhiều tính năng, thông tin người dùng Việt cần nhưng chưa hoặc không được hỗ trợ trên các trợ lý ảo này. Vì thế, MDN-Team, với lực lượng chỉ hơn mười sinh viên, đã cùng quyết tâm phát triển ứng dụng này với mong muốn đem lại sự tiện lợi trong công việc và trải nghiệm thú vị cho người dùng di động Việt Nam.
Ứng dụng VAV phiên bản 1 ra mắt trên chợ ứng dụng Google Play ngày 18/11/2015
Anh có thể cho biết Trợ lý ảo VAV có thể giúp gì cho người dùng Việt?
VAV là ứng dụng trợ lý ảo dành riêng cho người Việt để giúp người dùng di động có thể giao tiếp với điện thoại của mình bằng các khẩu lệnh một cách tiện dụng nhất có thể. Cụ thể hơn, VAV cho phép người dùng tương tác với smartphone bằng giọng nói hoàn toàn tiếng Việt để thực hiện các tác vụ cần thiết hàng ngày. Với VAV, bạn có thể dễ dàng hẹn chuông báo thức, đặt lịch cho một cuộc họp, bật/tắt định vị, gọi điện, nhắn tin cho ai đó, gọi taxi, mở một ứng dụng trên máy, duyệt web, tìm đường trên bản đồ, tìm cây ATM gần bạn, tra từ điển, tra cứu Wikipedia, hay mở một bản nhạc yêu thích … chỉ đơn giản bằng các mệnh lệnh hay câu hỏi hết sức tự nhiên. Bạn thử tưởng tượng, thay vì phải bật ứng dụng bản đồ Google, tìm chức năng tìm đường và gõ đích đến là “144 Xuân Thủy” rồi nhấn nút tìm kiếm thì với VAV bạn chỉ cần hỏi “tìm đường đến 144 Xuân Thủy” hoặc “đến 144 Xuân Thủy thì đi thế nào”. Nếu bạn đi công tác đến Quảng Bình, bạn cần gọi taxi và chưa biết số điện thoại, bạn chỉ cần bảo VAV: “gọi taxi Mai Linh ở Quảng Bình”, lập tức VAV sẽ gọi tới số 0523696969 (taxi Mai Linh – Quảng Trạch) giúp bạn. Còn rất nhiều tính năng nữa mà VAV có thể giúp bạn và điều đó để bạn và người dùng dần dần khám phá.
Anh có thể cho biết giải pháp công nghệ nổi bật của VAV?
Dưới góc độ công nghệ, VAV được thiết kế và phát triển dựa trên sự kế thừa các công nghệ và dịch vụ quan trọng sẵn có như dịch vụ nhận dạng giọng nói của Google, bản đồ số, các trang tin tức trực tuyến, thông tin tài chính, thời tiết, Wikipedia … và rất nhiều ứng dụng trực tuyến khác để mang lại cho người dùng nhiều thông tin hữu ích.
Giải pháp công nghệ nổi bật của nhóm là tìm ra các kỹ thuật về trí tuệ nhân tạo, học máy, xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên phù hợp để giúp VAV có thể phân tích và nắm bắt được ý định của người dùng dù họ diễn đạt yêu cầu của mình theo nhiều cách khác nhau mà không cần tuân theo bất kỳ khuôn mẫu nào cho trước. Với các công nghệ này, VAV có thể phân tích câu văn nói và hiểu ý định của bạn để thực thi những gì bạn muốn một cách chính xác và nhanh chóng nhất. Ví dụ, khi người dùng hỏi “từ đây đến Hải Phòng đi thế nào” thì VAV cần mở ứng dụng bản đồ và hiển thị đường đi chi tiết từ vị trí hiện tại của bạn đến Hải Phòng. Nếu bạn bảo VAV: “thức mình dậy sau một tiếng rưỡi nữa”, VAV ngay lập tức sẽ đặt chuông với thời điểm báo thức là thời điểm hiện tại cộng thêm 1 tiếng 30 phút. Với các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên, VAV cũng có thể nhận diện chính xác được các tham số trong khẩu lệnh của người dùng. Nếu bạn nói “mở báo lao động chấm com chấm vn”, VAV cần hiểu là mở trang web laodong.com.vn.
Thêm nữa, với mục tiêu có thể phục vụ đồng thời một số lượng lớn người dùng, những tính toán, phân tích thông minh trong VAV được thực hiện ngay trên điện thoại di động. Để thực hiện điều này, nhóm phát triển đã tối ưu hóa các mô hình phân tích và cơ sở dữ liệu để có được một ứng dụng thực sự tinh gọn và có khả năng phản hồi nhanh.
TS. Phan Xuân Hiếu (ngoài cùng bên trái) cùng các cộng sự MDN-Team
Sau một thời gian ra mắt, VAV được tín đồ công nghệ đón nhận như thế nào?
VAV đã ra mắt phiên bản đầu tiên trên chợ ứng dụng Google Play vào ngày 18/11/2015 và ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của nhiều người dùng trong giới công nghệ Việt Nam. Chỉ sau 2 tháng có mặt trên Google Play, VAV cán mốc 75.000 lượt tải về và cài đặt ứng dụng. Chợ ứng dụng này cũng thống kê trong khoảng thời gian này đã có hơn 7300 lượt người dùng đánh giá VAV với mức độ hài lòng trung bình ở mức 4,74/5,0. Có hơn 4200 người tham gia bình luận, phản hồi về VAV và trong đó đa số là các phản hồi tích cực, ủng hộ manh mẽ MDN-Team tiếp tục cập nhật, mở rộng các tính năng cũng như phát triển VAV trên các hệ điều hành di động khác như iOS và Windows Phone.
Ngay khi ra mắt VAV cũng được các trang tin công nghệ uy tín của Việt Nam như Tinhte.vn, Genk.vn sử dụng trải nghiệm, đánh giá và bình luận tích cực. Truyền thông báo chí và truyền hình như báo Dân trí, truyền hình VTC cũng đã tham gia đưa tin về VAV. Những trải nghiệm và phản hồi của người dùng rất hữu ích để nhóm phát triển tiếp tục nâng cấp, mở rộng tính năng cho phiên bản tiếp theo.
Trong quá trình nghiên cứu, phát triển ứng dụng, MDN-Team đã gặp phải những khó khăn gì?
Nhóm tác giả MDN-Team gồm 2 nghiên cứu sinh, 4 học viên cao học và 10 sinh viên của trường ĐH Công nghệ (đang học năm thứ 3 và 4). Chính vì vậy, trong thời gian đầu phát triển ứng dụng, chúng tôi đã gặp phải khá nhiều khó khăn: các thành viên vẫn là sinh viên nên không thể tập trung toàn thời gian cho ứng dụng, bên cạnh đó các thành viên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm để phát triển ứng dụng chuyên nghiệp nên phải vừa làm vừa học hỏi thêm. Đặc biệt, để xây dựng một “trợ lý ảo” có thể hiểu được ngôn ngữ và ý muốn của người dùng là điều không dễ dàng đối với các sinh viên khi chưa có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Tuy nhiên, các bạn sinh viên, học viên đã nỗ lực hết mình, và với sự chuyên cần, chủ động, sáng tạo, nhanh nhạy của mình, các em là nhân tố chính làm nên sự thành công bước đầu của VAV.
Phiên bản 2 của ứng dụng được thay đổi giao diện và tích hợp nhiều tiện ích hơn cho người dùng
Xin anh cho biết hướng đi tiếp theo của nhóm nghiên cứu cho sản phẩm này?
Định hướng ban đầu của sản phẩm là giúp người dùng thực hiện các thao tác trên điện thoại di động của họ, nhóm phát triển cũng đã tập trung nghiên cứu các giải pháp có thể giúp VAV can thiệp sâu vào các tính năng của hệ thống. Hiện nhóm phát triển vừa mới ra mắt VAV phiên bản 2 với giao diện mới, tiện dụng hơn với rất nhiều tính năng hữu ích. Sau khi hoàn thiện phiên bản dành cho nền tảng di động Android, chúng tôi dự định tiếp tục phát hành VAV trên các nền tảng di động khác.
Nhóm phát triển cũng đặc biệt chú trọng vào khả năng mở rộng miền ứng dụng của VAV để xác định được nhiều dạng câu, nhiều dạng ý định thuộc các lĩnh vực khác như hỏi đáp về luật giao thông (“lỗi vượt đèn đỏ đối với ô tô có mức phạt bao nhiêu”), tìm kiếm thông minh (“tìm xe Camry cũ màu đen số tự động đời từ 2008 trở về sau”) hay thông tin y tế (“hiện giờ có những phòng khám tai mũi họng nào gần đây đang mở không”). VAV cũng cần được hoàn thiện hơn nữa để có thể tương tác bằng giọng nói hai chiều với người dùng cũng như phục vụ người dùng trong lúc họ đang lái xe hay làm bếp.
Hiện tại, ứng dụng VAV đang được một số nhà đầu tư, bao gồm cá nhân lẫn doanh nghiệp, quan tâm, tuy nhiên nhóm vẫn đang cân nhắc tìm kiếm một hình thức hợp tác phù hợp để VAV có thể phát triển lâu dài, đi đúng định hướng và tầm nhìn ban đầu. Còn hiện tại, mục tiêu quan trọng nhất của cả nhóm là hoàn thiện VAV hơn nữa để đưa VAV tới đông đảo người dùng di động Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ thú vị của Tiến sĩ!
Thông tin báo chí:
– Báo điện tử Vietnamnet: Sinh viên phát triển ứng dụng trợ lý ảo hiểu tiếng Việt
– Báo điện tử Chính phủ: Trợ lý ảo cho người Việt trên điện thoại thông minh
– Báo điện tử Dân trí: Nghiên cứu thành công ứng dụng trợ lý ảo cho người Việt trên nền tảng di động
Theo Thiên Bình (Tạp chí VNU)