Sáng chế của người Việt trong chế tạo cảm biến từ trường dựa trên hiệu ứng từ giảo – áp điện

    Với định hướng nghiên cứu phát triển sản phẩm ứng dụng dựa trên các nghiên cứu cơ bản, Phòng thí nghiệm trọng điểm Micro và nano của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức gồm PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang cùng các thành viên thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm Micro và nano, Khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano (Trường Đại học Công nghệ) đã kế thừa và phát triển kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu vật liệu từ ứng dụng vào sáng chế “Cảm biến nhạy từ trường dựa trên hiệu ứng từ giảo – áp điện và phương pháp chế tạo, và linh kiện cảm biến”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2019.

Nhóm nghiên cứu mạnh của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức gồm PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang cùng các thành viên thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm Micro và nano, Khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano (Trường Đại học Công nghệ) đã kế thừa và phát triển kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu vật liệu từ ứng dụng vào sáng chế

   Khả năng ứng dụng thực tiễn

   Khi tham gia các đề tài, dự án khoa học, các nhà khoa học nói chung thường hướng đến các nghiên cứu mới, vật liệu hoặc hiệu ứng mới, có tính thời sự cho ra đời các công bố quốc tế có chất lượng cao như các bài báo quốc tế như ISI, Scopus. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn hiện nay hướng đến các sản phẩm có tính ứng dụng cao, giải quyết các bài toán hiện tại là xu hướng tất yếu định hướng nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng cụ thể của các nhà nghiên cứu. Nắm bắt được xu thế này nhóm nghiên cứu đã định hướng phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh trong nghiên cứu về vật liệu từ là hướng nghiên cứu mà nhóm đã có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và kết quả nghiên cứu. Vì vậy, khi đã nghiên cứu chuyên sâu thì việc nhóm nghiên cứu chuyển sang khai thác nghiên cứu ứng dụng đã được nhóm áp dụng thành công trong sáng chế “cảm biến nhạy từ trường dựa trên hiệu ứng từ giảo – áp điện và phương pháp chế tạo, và linh kiện cảm biến” có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, quốc phòng, an ninh… Thành công của sáng chế là làm chủ hoàn toàn công nghệ lõi từ chế tạo vật liệu đến linh kiện cảm biến và đóng gói hoàn thiện kiểu dáng công nghiệp hoàn toàn trong nước với các giải pháp công nghệ được tích hợp phù hợp với điều kiện Việt Nam, có thể sản xuất ở quy mô nhỏ trong phòng thí nghiệm đến quy mô công nghiệp.

   Cũng trên nguyên lý hoạt động của linh kiện cảm biến đo từ trường này, với độ nhạy và độ phân giải cao nhờ tích hợp được các giải pháp đưa ra trong sáng chế, linh kiện cảm biến này có thể được phát triển cho nhiều mục đích đo lường khác nhau như cảm biến đo dòng điện, đếm phương tiện giao thông, cảm biến sinh học dò tìm các phần tử sinh học, cảm biến đo độ dịch chuyển, cảm biến đo góc, la bàn điện tử,… phục vụ cho các ngành công nghiệp nhẹ (điện tử, đo lường) và công nghiệp nặng (xây dựng, giao thông, cơ khí,…).

   Hiệu quả đạt được của sản phẩm nghiên cứu

   Sáng chế “cảm biến nhạy từ trường dựa trên hiệu ứng từ giảo – áp điện và phương pháp chế tạo, và linh kiện cảm biến” nói riêng và những sáng chế trong tương lai nói chung được nhóm nghiên cứu tiếp cận theo mục tiêu công nghệ chế tạo đơn giản, giá thành thấp,phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Ngoài việc đảm bảo giá thành thấp, dễ chế tạo thì nhóm nghiên cứu càng quan tâm hơn đến chất lượng của công nghệ. Do vậy, khi nói đến từ trường các thông số như dải đo từ trường, độ nhạy, độ phân giải, đáp ứng tuyến tính… được nhóm nghiên cứu quan tâm và hoạt động với các thông số tương đương thậm chí còn tốt hơn so với một số cảm biến cùng chức năng dựa trên các hiệu ứng khác. PGS.TS. Hương Giang khẳng định, kim chỉ nam của nhóm nghiên cứu chính là những sản phẩm mang tính nội địa hóa với công nghệ của con người Việt Nam nhưng tương đương ngoại nhập, từ đó có thể làm chủ công nghệ và chủ động sản xuất nghiên cứu. Những đặc điểm trên cũng trở thành thế mạnh của những sản phẩm và sáng chế mà nhóm nghiên cứu triển khai.

   Sự cởi mở, chia sẻ thông tin là yếu tố thành công trong nghiên cứu khoa học

   Mỗi sản phẩm nghiên cứu ứng dụng đều là kết tinh của khoa học liên ngành với sự tham gia của nhiều nhóm nghiên cứu từ vật lý, vật liệu, điện tử, gia công đóng gói,… Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, PGS. Hương Giang nhận định, chính sự cởi mở, chia sẻ và trao đổi thông tin trong nghiên cứu khoa học giữa các nhóm nghiên cứu khác nhau là một trong những yếu tố giúp sáng chế cũng như sản phẩm công nghệ phát triển thành công. Chính điều này tạo nên cơ hội kết nối đối với những lĩnh vực xuyên ngành, đưa các nhóm đến với nhau, gia tăng sự hiểu biết, hợp tác để cùng nghiên cứu đưa ra các giải pháp giúp phát triển sản phẩm có thể giải quyết được các bài toán ứng dụng trong từng lĩnh vực cụ thể.

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan