Trường Đại học Công nghệ: Triển vọng vươn xa

     Ngày 25/5/2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 92/2004/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Công nghệ trên cơ sở phát triển Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại Quyết định thành lập, Thủ tướng chính phủ đã giao hai nhiệm vụ cho Trường Đại học Công nghệ là: “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ” và “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội”.

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập Trường ĐHCN tại Lễ công bố Quyết định thành lập Trường

      Kế thừa và phát huy truyền thống, thế mạnh hoạt động đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao  từ Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội, trải qua gần 15 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã có bước tiến vượt bậc trên các mặt công tác:

     – Là cơ sở đào tạo đại học có uy tín, chất lượng cao. Sinh viên tốt nghiệp ra trường được cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động đánh giá cao về chất lượng. Theo số liệu khảo sát tháng 1/2018, 91,1% số sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp, 8,9% số sinh viên học lên cao học và tham gia các hoạt động khác. Đây là tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất trong số các trường đại học kỹ thuật lớn của miền Bắc công bố tính đến đầu năm 2018. Trong đó, số lượng sinh viên đi làm tại doanh nghiệp liên doanh nước ngoài ở tất cả các ngành có tỷ lệ rất cao, chiếm 44,9%. Trong khi đó, khối các doanh nghiệp lớn trong nước tuyển dụng đến hơn 32% số sinh viên tốt nghiệp, với các công ty có tên tuổi như Viettel, VNPT, FPT, v.v.

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà giới thiệu các sản phẩm tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc tại ĐHQGHN

     – Ngành/lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu được mở rộng theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0: bên cạnh bốn lĩnh vực truyền thống, có thể mạnh là Công nghệ Thông tin, Điện tử – Viễn thông, Công nghệ Micro-Nano; Cơ kỹ thuật, Cơ điện tử, Trường ĐHCN đã phát triển những ngành/lĩnh vực mới có sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ của doanh nghiệp như ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ đào tạo các kỹ sư đam mê chinh phục không gian, khoảng 30% sinh viên sẽ được Viettel cấp học bổng toàn phầntrong quá trình đào tạo; được thực tập, thực hành tại các phòng thí nghiệm hiện đại của Trường, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Ngành Kỹ thuật năng lượng, kỹ sư tốt nghiệp có khả năng làm việc tại cơ sở công nghiệp công nghệ tiên tiến, các cơ quan nghiên cứu và quản lý về năng lượng ở trong nước và quốc tế. Ngành Công nghệ Kỹ thuật xây dựng, kỹ sư tốt nghiệp có khả năng làm việc tại các công ty thiết kế xây dựng, các tập đoàn xây dựng và các viện nghiên cứu chuyên ngành. Ngành Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản đào tạo các kiến thức cơ bản, quan trọng và hiện đại về Công nghệ Thông tin và truyền thông, đồng thời sinh viên được học tiếng Nhật với giảng viên người Việt và người Nhật và nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho các công ty công nghệ tại Nhật Bản. Ngành Kỹ thuật robot đào tạo kỹ thuật Robot được thiết kế với sự tư vấn và tham gia của các giáo sư đến từ Đại học Chiba, Nhật Bản – một trường Đại học hàng đầu về công nghệ Robot.  Kỹ sư tốt nghiệp ngành Robot có cơ hội nghề nghiệp cao bao gồm các công việc liên quan đến thiết kế chế tạo các hệ thống: Robot thông minh, Robot công nghiệp….Nhà trường còn có các chương trình chất lượng cao xã hội hóa là Khoa học Máy tính và Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thôngcó điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đào tạo đại trà, đáp ứng thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường với doanh nghiệp, giúp mở ra cơ hội việc làm và thu nhập hấp dẫn cho người học.

Lễ ra mắt Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ – là đơn vị hợp tác với Tập đoàn Viễn thông công nghiệp Viettel

     – Hoạt động nghiên cứu nâng tầm cả về quy mô, chất lượng, khả năng triển khai ứng dụng: Nhà trường quan tâm thúc đẩy hai nhóm sản phẩm khoa học công nghệ: một là, các công bố nghiên cứu trên các tạp chí, hội nghị khoa học uy tín trong và ngoài nước đạt trung bình 1,4 bài báo/giảng viên/năm trong đó 30%  thuộc danh mục ISI/Scopus. Hai là, các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống điển hình là: Sản phẩm DoIT – Hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng văn bản đạt giải nhì Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017; Vi mạch mã hóa Video VENGME H.264/AVC đạt giải nhì Nhân tài Đất Việt năm 2015; Bản đồ về Hệ gen của 3 cá thể thuộc một gia đình người Việt, Hệ thống thu nhận tín hiệu vệ tinh trên biển, Hệ thống thông tin cháy rừng, Hệ thống giám sát và cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí sử dụng ảnh vệ tinh, Vật liệu compozit polymer sợi thủy tinh chứa các thành phần như sau: hạt titan oxit, sợi thủy tinh, nhựa polyeste được đóng rắn; Máy phát tín hiệu dải rộng dùng cho radar  thế hệ mới; Máy phát tín hiệu kiểm soát mã không lưu… Trong đó có 04 sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế/giải pháp hữu ích. Hoạt động nghiên cứu khoa học, trở thành nhu cầu hằng ngày của mỗi giảng viên và là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học.

Sản phẩm DoIT – Hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng văn bản đạt giải nhì Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017

Đội tuyển sinh viên UET Fastest giành ngôi vô địch cuộc đua số

Đội tuyển Unsigned tham dự vòng chung kết toàn cầu ACM/ICPC diễn ra tại Trung Quốc

      – Nhiều sinh viên tài năng đạt các thành tích cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế:năm 2018 là năm thứ 7 Trường ĐHCN có đội tuyển sinh viên dẫn đầu các kỳ thi khu vực để có mặt tại vòng chung kết toàn cầu kỳ thi lập trình sinh viên ACM/ICPC. Kết quả thi chung kết tại Trung Quốc tháng 4/2018 vừa qua, Đội tuyển sinh viên của trường xếp hạng 15/140 đội tuyển danh tiếng trên toàn thế giới. Đây là kỳ thi danh giá bậc nhất trên thế giới về lập trình sinh viên, vì ngoài việc kiến thức không hạn chế dành cho bậc đại học, các đội tuyển còn vượt qua 400.000 sinh viên của 4.000 đại học trên toàn thế giới để vào vòng chung kết toàn cầu. Năm 2018 cũng ghi dấu ấn đội tuyển sinh viên UET Fastest giành ngôi vô địch cuộc đua số; nhóm SISLab đạt giải  nhì tại  Cuộc thi Thiết kế điện tử quốc tế lần thứ 21; nhóm ORLab đạt giải nhất cuộc thi Tối ưu sử dụng điện năng.; nhóm Aspei đạt giải Nhất cuộc thi “Hành trình Thành phố khởi nghiệp sáng tạo Startupcity Roadshow”…

       – Hệ thống  trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu; hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm được đầu tư hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của cán bộ giảng viên trong trường.

     – Quan hệ hợp tác được mở rộng với nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu và tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Năm 2017, Nhà trường hợp tác với Trường ĐH Công nghệ Sydney của Úc thành lập Trung tâm nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ (JTIRC) đặt trụ sở tại Trường ĐHCN. Hai bên triển khai các hoạt động đào tạo nghiên cứu sinh phối hợp với một nửa thời gian học tập tại Trường ĐHCN và một nửa tại Trường ĐHCN Sydney; Hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel ra mắt Viện Công nghệ hàng không vũ trụ và phối hợp tổ chức đào tạo chương trình kỹ sư ngành công nghệ hàng không vũ trụ; Hợp tác với Samsung đào tạo, tuyển dụng kỹ sư tài năng,…

      Với nền tảng vững chắc được gây dựng trong nhiều năm qua cung với việc kiên định mục tiêu xây dựng đại học nghiên cứu, Trường ĐHCN có nhiều triển vọng vươn xa, được kỳ vọng như một mô hình mới để sớm tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.

Bài viết liên quan