Trường Đại học Công nghệ có thêm hai bằng độc quyền giải pháp hữu ích

   Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cấp hai bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho hai nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN), Đại học Quốc gia Hà Nội.

   Hai sáng chế độc quyền vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp bằng có tên: “Hệ thống chiếu sáng bằng đèn led cho các cây rau mầm” của tác giả TS. Bùi Đình Tú và ThS. Nguyễn Đăng Cơ cùng nhóm nghiên cứu Trường ĐHCN; “Thiết bị vi lỏng để phát hiện dòng tế bào ung thư phổi A549 và quy trình phát hiện dòng tế bào ung thư phổi này” của tác giả PGS.TS. Bùi Thanh Tùng cùng nhóm nghiên cứu gồm cán bộ của Trường ĐHCN và Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN).

   Đối với giải pháp hữu ích “Hệ thống chiếu sáng bằng đèn led cho các cây rau mầm” của tác giả TS. Bùi Đình Tú, ThS. Nguyễn Đăng Cơ và nhóm nghiên cứu, thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED cho cây trồng để kịch thích quá trình sinh trưởng của cây trồng trong nhà kính như rau, rau mầm họ đậu như đậu xanh, đậu tương, đậu đen, rau mầm họ cải như củ cải trắng, củ cải đỏ, củ cải ngọt, mầm rau muống và mầm hướng dương.

   Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu nhận thấy: “Hiện nay trong nông nghiệp, để kích thích sự phát triển của cây trồng thường áp dụng kỹ thuật bón phân hoặc phun các chất kích thích sinh trưởng lên cây trồng. Tuy nhiên, các phương pháp này gây ô nhiễm môi trường do tồn dư hóa chất trong cây trồng, đất và nước”. Vì vậy, nhóm tác giả đã triển khai nghiên cứu và thực nghiệm phương pháp chiếu sáng bằng đèn khác nhau như đèn sợi đốt, đèn compact hay đèn LED. Trưởng nhóm nghiên cứu TS. Bùi Đình Tú cho biết: “Phương pháp này nhằm cung cấp ánh sáng để cây trồng có thể quang tổng hợp để phát triển. Trong đó, hệ thống sử dụng đèn sợi đốt chi phí đầu tư thấp, nhưng hiệu suất phát quang thấp và 95% phát ra nhiệt năng nên  thường tốn điện, tuổi thọ rất thấp.  Còn đèn huỳnh quang có ưu điểm hơn đèn sợi đốt nhưng tiêu hao điện năng, dễ cháy nổ và chứa hơi thủy ngân, ánh sáng phát không đều… Do vậy, nhóm tác giả đã có cải tiến đối với hệ thống đèn chiếu sáng trong nông nghiệp với những loại đèn LED chuyên dụng cho phép chiếu sáng với các dải ánh sáng phổ hẹp, với các bước sóng giúp cây trồng quang hợp một cách tốt nhất”.

   Sau khi tìm hiểu, nhóm tác giả đã nghiên cứu và đưa ra những cải tiến đối với hệ thống chiếu sáng bằng đèn led cho cây trồng để kích thích quá trình sinh trưởng cho cây rau mầm. Qua đó, hệ thống này sẽ đưa ra được dải bước sóng tối ưu cho cây trồng hấp thụ, cụ thể đánh giá được cường độ tối ưu cho cây trồng, đặc biệt cây trồng trong nhà kính như cây rau, rau mầm. Hệ thống chiếu sáng bằng đèn led cho cây trồng theo giải pháp hữu ích gồm nguồn điện để cung cấp điện cho các đèn led được điều khiển bởi bộ hẹn giờ, dãy các đèn led; hệ thống khay gieo trồng để nhận ánh sáng chiếu trực tiếp từ dãy các đèn led.

  Giải pháp hữu ích “Thiết bị vi lỏng để phát hiện dòng tế bào ung thư phổi A549 và quy trình phát hiện dòng tế bào ung thư phổi này” của tác giả PGS.TS. Bùi Thanh Tùng cùng nhóm nghiên cứu, thuộc lĩnh vực y sinh và thiết bị phân tích. Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy ngày nay bệnh ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai thế giới, chỉ sau bệnh tim mạch. Qui trình tầm soát ung thư hiện nay thông thường bao gồm các bước như khám lâm sàng, thực hiện một số xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết. Do vậy, nhóm tác giả khẳng định việc phát triển các thiết bị có kích thước nhỏ có thể được áp dụng trong các ứng dụng xét nghiệm tại chỗ, có khả năng phát hiện các tế bào ung thư CTC nhanh, thuận tiện, chính xác là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình tầm soát và điều trị ung thư. Các xét nghiệm trên mẫu máu trong tầm soát ung thư hiện nay chủ yếu là để phát hiện và định lượng nồng độ của một số protein chỉ dấu khối u. Gần đây, các nhóm nghiên cứu trên thế giới đang tiếp cận quá trình tầm soát ung thư thông qua qui trình sinh thiết lỏng nhằm phát hiện các tế bào ung thư tuần hoàn (CTCs) xuất hiện trong máu bệnh nhân. Trong kỹ thuật sinh thiết lỏng thông thường chỉ cho kết quả nếu tế bào ung thư tuần hoàn (CTC) xuất hiện với lượng lớn, còn với lượng nhỏ CTC thì khó phát hiện chính xác. Do vậy nhóm tác giả đã nghiên cứu và đưa ra cấu trúc thiết bị vi lỏng sử dụng trình tự aptame đặc hiệu với dòng tế bào A549 cho phép di chuyển, tập trung và làm giàu các tế bào ung thư trong buồng xét nghiệm vi lỏng dựa trên lực điện di điện môi và sau đó sử dụng các cấu trúc vi điện cực để phát hiện những tế bào này dựa trên nguyên lý cảm biến trở kháng. Việc tích hợp cấu trúc tập trung làm giàu tế bào trước khi phát hiện cho phép thiết bị có thể phát hiện được tế bào ung thư phổi ở những nồng độ thấp hơn so với các thiết bị thông thường.

   Thiết bị theo giải pháp hữu ích có các điện cực trên chip được bố trí ở dạng các đường tròn đồng tâm cho phép làm giàu và cố định các tế bào ung thư phổi A549 trên cấu trúc vi điện cực cảm biến trở kháng thông qua sử dụng lực điện trường và các aptame đặc hiệu với dòng tế bào A549. Thiết bị và quy trình theo giải pháp hữu ích cho phép có thể phát hiện sớm ung thư đối với dòng tế bào ung thư phổi A549.

(UET-News)

 

Bài viết liên quan