Tăng cường sản phẩm khoa học và công nghệ, đăng ký sở hữu trí tuệ
Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN là một trong những trường đại học nằm trong top đầu thuộc khối ngành kỹ thuật. Đồng thời, là một trong những thành viên của ĐHQGHN đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), góp phần xây dựng ĐHQGHN trở thành đại học số hóa theo định hướng nghiên cứu.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường ĐH Công nghệ đã kiên trì những định hướng phát triển thành trường đại học nghiên cứu. Trong “Chiến lược phát triển Nhà trường đến năm 2025, tầm nhìn 2035” đặt ra mục tiêu “nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học – công nghệ tiên tiến”; Tầm nhìn 2035 sẽ trở thành “một trung tâm xuất sắc, đi đầu trong đào tạo tài năng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”.
Trường ĐH Công nghệ có lộ trình phát triển để hoạt động KH&CN ngày càng đi vào chiều sâu, có sự gia tăng vững chắc về số lượng đề tài các cấp, số lượng các bài báo khoa học chất lượng cao. Nhà trường đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện một số chính sách hỗ trợ và đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học. Năm 2018, Trường ĐH Công nghệ đã ban hành “Quy định về đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ”.
Từ đó, Nhà trường cũng đã thử nghiệm công tác phân cấp, giao quyền chủ động cho các đơn vị trong xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, và các cán bộ khoa học đầu đàn, đầu ngành. Cụ thể, nhà trường đã phân kinh phí phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH&CN cho các đơn vị từ nguồn kinh phí sự nghiệp của nhà trường.
Năm 2020, số lượng đề tài và bài báo được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ công bố công trình khoa học trên các tạp chí khoa học và hội thảo quốc tế; phát triển các phòng thí nghiệm mục tiêu, nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tài năng tăng hơn 60% (62 bài báo và đề tài) so với năm 2019. Đồng thời, tổng kinh phí hỗ trợ KH&CN đối với các đơn vị tăng 67%.
Đến nay, hệ thống tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học được kiện toàn với các nhóm nghiên cứu, hệ thống các phòng thí nghiệm mục tiêu và các sản phẩm nghiên cứu tập trung hai nhóm chính là sản phẩm học thuật và sản phẩm gắn với chuyển giao. Mặc dù năm 2019 – 2020 với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhưng số lượng đề tài các cấp, nhiệm vụ, hợp đồng hợp tác tăng 27% so với năm 2019. Năm 2020, Nhà trường triển khai 05 đề tài cấp quốc gia; 16 đề tài cấp Bộ; 18 đề tài cấp ĐHQGHN; 44 đề tài cấp cơ sở; 15 hợp đồng, nhiệm vụ hợp tác khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế. Toàn trường đã công bố 219 bài báo, trong đó số lượng bài báo trong hệ thống ISI/Scopus có 116 bài, tăng 45% so với năm 2019.
Nhà trường tiếp tục được củng cố, tăng trưởng với các dự án đầu tư tăng cường năng lực và đầu tư chiều sâu của Nhà nước, ĐHQGHN. Trong ba năm gần đây, Trường ĐH Công nghệ có nhiều dự án đầu tư một số lĩnh vực mũi nhọn, các hướng nghiên cứu ưu tiên nhằm sớm đạt trình độ quốc tế, gồm dự án tăng trưởng xanh, dự án tăng cường năng lực ngành Kỹ thuật máy tính, tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và nông nghiệp công nghệ cao,…
Để từng bước hoàn thiện và phát triển cơ cấu đào tạo – nghiên cứu – dịch vụ theo hướng đại học nghiên cứu, ứng dụng, năm 2017, Trường ĐH Công nghệ đã ban hành Hướng dẫn về việc phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ để hỗ trợ các tác giả, nhóm nghiên cứu công bố khoa học quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ cho các tác giả, nhóm nghiên cứu của trường.
Qua đó, năm học 2019-2020, Nhà trường đã hỗ trợ 34 công bố khoa học quốc tế uy tín (gấp đôi so với năm 2018-2019) và 12 nhóm tác giả viết mô tả đăng ký sở hữu trí tuệ.
Hầu hết, cán bộ có sản phẩm đăng ký thường gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đặc biệt là kỹ năng viết bản mô tả sản phẩm. Sau khi nhận được hỗ trợ từ phía Nhà trường, các nhóm nghiên cứu đã có động lực hơn trong việc hoàn thiện hồ sơ cấp bằng sáng chế.
Từ năm 2019 đến nay, Nhà trường có 10 bằng sáng chế, 1 bằng kiểu dáng công nghiệp được cấp và 21 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ đã được chấp nhận hợp lệ. Nhóm nghiên cứu do TS. Đinh Triều Dương (khoa Điện tử viễn thông) làm Trưởng nhóm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế “Phương pháp mã hóa và giải mã video phân tán DVC” chia sẻ: “Trong quá trình đề xuất và đăng ký cấp bằng độc quyền sáng chế, tác giả và nhóm nghiên cứu đã nhận được nhiều hỗ trợ, tư vấn nhiệt tình từ các phòng chức năng của Nhà trường để tiếp cận với các chuyên gia tư vấn về đăng ký sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí đề tài cấp ĐHQGHN (QG) tạo động lực tốt cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ đăng ký”.
Dựa trên cơ sở “Chiến lược phát triển Nhà trường đến năm 2025, tầm nhìn 2035”, trong thời gian tới, Trường Trường ĐH Công nghệ tiếp tục: “Quy hoạch hệ thống các phòng thí nghiệm và đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm sản phẩm KH&CN trọng điểm.Tập trung phát triển một số sản phẩm khoa học có tầm ảnh hưởng cao (sản phẩm quốc gia) nhằm khẳng định vị thế và tạo đà phát triển. Xúc tiến thành lập phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế nhằm gia tăng tiềm lực KH&CN và nhanh chóng tiếp cận trình độ quốc tế. Thành lập doanh nghiệp KH&CN để thực hiện các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, phối hợp phát triển sản phẩm ứng dụng, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của cán bộ và sinh viên; thúc đẩy các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ (phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích)”.
Theo Thiên Bình (VNU-Media)