Bối cảnh AI phát triển, cơ hội việc làm ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa lớn
Ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên trong thời đại mới.
Trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, năm 2024, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong mở ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa. Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành học này không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn trang bị cho sinh viên kỹ năng cần thiết để phát triển trong thị trường lao động hiện đại.
Chương trình đào tạo ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa bao gồm ba chuyên ngành: Thiết kế công nghiệp và kỹ thuật; Thiết kế kỹ thuật và đồ họa; Thiết kế mỹ thuật và nội thất.
Ngành học bắt kịp xu hướng xã hội
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ xây dựng giao thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra những lý do và thế mạnh để Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội mở ngành, tuyển sinh và đào tạo ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa.
Trước hết, đây là một bước đi đáp ứng sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và Nhà nước trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ nói chung và trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp đồ họa nói riêng. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 (Quyết định 2289/QĐ-TTg), với mục tiêu làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và hiện đại hóa đất nước.
Tiếp theo, ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa rất phù hợp với chiến lược đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ngành này đã được quy hoạch trong Chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2020-2025, đáp ứng nhu cầu cao trong các lĩnh vực như công nghệ sản xuất (sản phẩm có thiết kế tối ưu từ ô tô, điện thoại đến đồ gia dụng và thiết bị y tế) và dịch vụ truyền thông (quảng cáo, truyền thông và giải trí).
Hơn nữa, xã hội hiện nay đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới liên tục trong các sản phẩm và dịch vụ, vì thế ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa đang ngày càng được ưa chuộng.
“Cùng với sự phát triển của công nghiệp 4.0, việc ứng dụng các công nghệ mới vào thiết kế sản xuất là vô cùng cần thiết. Ví dụ, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR) và thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong thiết kế sản phẩm và trải nghiệm người dùng. Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và máy học (Machine Learning) giúp tối ưu hoá quy trình thiết kế và tạo ra những sản phẩm thông minh hơn”, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Theo thầy Đức, chương trình Thiết kế công nghiệp và đồ họa của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội có tính liên ngành, liên lĩnh vực, lấy nền tảng kỹ thuật công nghệ làm chủ đạo và kết hợp với mỹ thuật, khác với các chương trình đào tạo khác ở Việt Nam hiện nay chỉ thiên về mỹ thuật. Vì vậy, ngành này có mã ngành thí điểm thuộc lĩnh vực Kỹ thuật, khác hẳn với các chương trình đào tạo thiết kế công nghiệp đang đào tạo ở các trường khác, có mã ngành thuộc lĩnh vực Mỹ thuật.
Sinh viên ngành này sẽ được học các kiến thức nền tảng và kỹ năng liên quan đến kỹ thuật công nghệ thiết kế, đồng thời phát triển khả năng sáng tạo và độc đáo trong thiết kế. Mục tiêu cao nhất của chương trình đào tạo là tạo ra các công trình sư, tổng công trình sư, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ.
“Điểm đặc biệt nhất của chương trình đào tạo ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa tại Trường Đại học Công nghệ là nhà trường sẽ lựa chọn các bạn có năng lực học tập xuất sắc trong các môn STEM để đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, vật lý, cơ học, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, điện – điện tử,…giúp trở thành các công trình sư, tổng công trình sư trong thiết kế chế tạo các sản phẩm công nghiệp, công nghệ cao ”, thầy Đức cho biết.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ xây dựng giao thông, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sẵn sàng mọi nguồn lực cho ngành học mới
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức chia sẻ, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa mang tính ứng dụng cao, nắm bắt xu hướng thời đại dựa trên thế mạnh về công nghệ và kỹ thuật của nhà trường.
“Lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội xếp hạng 386 trong Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds năm 2022 và nhiều lĩnh vực top 500-600 thế giới. Trường đề ra chiến lược phấn đấu đến năm 2035 trở thành đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu châu Á, một số lĩnh vực vào top 200 thế giới”, thầy Đức cho hay.
Về đội ngũ giảng viên, các thầy cô tham gia đào tạo ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa đều là những chuyên gia, nhà khoa học với trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu.
Đặc biệt, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ xây dựng giao thông, Tổ trưởng tổ chuyên gia xây dựng đề án mở ngành này tại trường, là nhà khoa học được xếp hạng top 10.000 thế giới và top 94 trong lĩnh vực Kỹ thuật (Engineering) toàn cầu.
Không chỉ vậy, Trường Đại học Công nghệ có cơ sở vật chất hiện đại với phòng học và thực hành được trang bị các phần mềm chuyên dụng, tài liệu học tập phong phú, đáp ứng nhu cầu học và nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Hội thảo mở ngành đào tạo bậc đại học ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thầy Đức cho biết thêm, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội có đầu vào tuyển sinh các ngành luôn thuộc top các trường có điểm đầu vào cao nhất cả nước. Thế mạnh về nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và doanh nghiệp của nhà trường cũng là điểm nổi bật, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận kiến thức và kỹ năng thực tiễn, phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt cho sự nghiệp tương lai.
Chương trình đào tạo Thiết kế công nghiệp và đồ họa của trường được thiết kế đặc biệt để sinh viên có kỹ năng tốt và thành thạo nghề ngay từ khi ra trường. Từ năm thứ hai, sau mỗi học kỳ, sinh viên đều có học phần đồ án để trải nghiệm kiến thức đã học với các bài tập thực tế trong môi trường doanh nghiệp. Điều này giúp sinh viên có cơ hội áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, phát triển kỹ năng và tư duy sáng tạo.
Theo học ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa, sinh viên còn có cơ hội trải nghiệm môi trường giáo dục quốc tế thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu với các trường đại học lớn trên thế giới như Đại học Melbourne (Úc), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Yonsei (Hàn Quốc), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore),…Đây là cơ hội để sinh viên học hỏi, phát triển kỹ năng và kinh nghiệm, chuẩn bị tốt cho sự nghiệp tương lai.
Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp và công ty trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp và đồ họa như Công ty cổ phần trang trí nội ngoại thất Home Decor, Công ty Siemens Digital Industry Software, Văn phòng kiến trúc sư Ngô Lê và cộng sự, Công ty quảng cáo Now, … qua đó thiết lập các chương trình hợp tác và thực tập cùng các công ty để cung cấp cho sinh viên cơ hội thực tập và học hỏi trong môi trường thực tế trong nước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đồng hành và hỗ trợ sinh viên trong các chương trình học bổng, hỗ trợ phần mềm thực hành, thực tập toàn thời gian từ 1-2 học kỳ trong môi trường doanh nghiệp. Điều này giúp cho người học có thể vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng, thúc đẩy tư duy sáng tạo và những ý tưởng đột phá. Đây cũng là cơ hội để làm phong phú thêm kinh nghiệm và tiếp cận cơ hội việc làm cho sinh viên.
Cơ hội nghề nghiệp đa dạng
Bàn về cơ hội nghề nghiệp của ngành học này, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức cho hay, ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội mang đến nhiều cơ hội việc làm đa dạng và hấp dẫn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Cụ thể, cử nhân ngành này có thể trở thành công trình sư; tổng công trình sư; cán bộ thiết kế sản phẩm kỹ thuật công nghiệp; thiết kế mỹ thuật nội thất; thiết kế quy trình tổ chức sản xuất; nhà sản xuất đồ họa; lập trình tương tác game; nhà sản xuất đạo diễn đồ họa sự kiện; người quản lý giám sát và thẩm định các dự án thiết kế ở các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; chuyên gia tư vấn, giám sát và kiểm tra các dự án thiết kế; cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế kỹ thuật công nghiệp và đồ họa;…
Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng có rất nhiều cơ hội cho ngành thiết kế trong bối cảnh AI đang hiện diện mạnh mẽ, miễn là chúng ta hiểu đúng về thiết kế cũng như chương trình đào tạo Thiết kế công nghiệp và đồ họa.
Những công nghệ liên quan đến AI như công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR) và thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong thiết kế sản phẩm và trải nghiệm người dùng, cũng như giúp tối ưu hoá quy trình thiết kế và tạo ra những sản phẩm thông minh hơn. Ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa còn gắn với đặc trưng khu vực học, nhân học và văn hóa, vì thế AI sẽ là công cụ đắc lực và rất hữu hiệu nhưng không thể thay thế hoàn toàn được con người.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, thị trường ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa tại Việt Nam đang có nhiều triển vọng. Mức thu nhập của nhà thiết kế đồ họa tại Việt Nam được ghi nhận là cao hơn mặt bằng chung, với mức thu nhập trung bình dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng, và có thể lên tới 40-59 triệu đồng/tháng với các chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Khi tích lũy đủ kinh nghiệm, các nhà thiết kế có thể lựa chọn làm việc tự do, kiếm được mức thu nhập hậu hĩnh từ 70 triệu đồng/ tháng và có mức lương rất cao khi đảm nhiệm vị trí công trình sư, tổng công trình sư.
Để theo học và làm tốt trong ngành này, sinh viên cần có những tố chất và kỹ năng như: Sự sáng tạo; kỹ năng thị giác; kiến thức về kỹ thuật, công nghệ và phần mềm; kỹ năng giao tiếp và hợp tác; khả năng phân tích, phản biện và giải quyết vấn đề; khả năng cảm nhận, tiếp thu và học hỏi. Ngoài ra, đam mê với nghề và cam kết với sự hoàn thiện là yếu tố quyết định giúp sinh viên thành công trong ngành này.
“Trong các đợt tư vấn và quảng bá tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ, nhà trường nhận được rất nhiều sự quan tâm, tìm hiểu và câu hỏi từ các bạn học sinh và phụ huynh. Số liệu đăng ký nguyện vọng ban đầu của kỳ tuyển sinh năm nay cho thấy đây là ngành “hot” và đông thí sinh đăng ký, có tỷ lệ chọi khá cao. Điều này cho thấy công tác tuyển sinh đang có rất nhiều thuận lợi.
Các bạn trẻ muốn thỏa sức sáng tạo, đam mê công nghệ và muốn thiết kế những sản phẩm hữu ích ứng dụng vào cuộc sống, hoặc muốn trở thành các công trình sư tổng công trình sư để thiết kế tên lửa, vệ tinh hay thiết kế giao diện bo mạch, chip bán dẫn trong tương lai, thì hãy tìm hiểu ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội”, thầy Đức gửi gắm tới các sinh viên yêu thích công nghệ và thiết kế.
Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội dành 160 chỉ tiêu để tuyển sinh ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa. Bên cạnh các hình thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đại học Quốc gia Hà Nội, các tổ hợp xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là: A00, A01, D01.
Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam
Bài viết liên quan:
Ngành Vật lý kỹ thuật – cơ hội vàng trong thời đại công nghệ
Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng: Phát triển mãi mãi với thời gian và ngày càng lớn mạnh
Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) tiên phong đào tạo ngành Công nghệ nông nghiệp
Ngành Kỹ thuật năng lượng: Hướng đi chiến lược cho tương lai bền vững
Kỹ thuật Robot – ngành học tiên phong công nghiệp trong thời đại 4.0
Mức lương của ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông đang ở mức khá