Ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu: Thị trường “khát” nhân lực, cơ hội việc làm rộng mở

     Thời đại công nghệ bùng nổ cùng với công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên khắp toàn cầu là minh chứng rõ nét cho tầm quan trọng của mạng Internet đối với cuộc sống của con người. Chính vì thế, ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu trở nên “hot” hơn bao giờ hết, bởi đây không chỉ là xu hướng lâu dài của tương lai, mà còn là một thị trường đầy tiềm năng để thế hệ trẻ mở rộng cơ hội việc làm, khẳng định năng lực và phát triển bản thân. Bạn đã sẵn sàng tìm hiểu ngành học thú vị này và trở thành một trong những “chiến binh” đưa công nghệ số vươn tầm cao mới?

    “Giải mã” Ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu

     Ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu là một ngành đào tạo thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin. Trong ngành học này, sinh viên sẽ được học tập, nghiên cứu về lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin nói chung, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu nói riêng. Bên cạnh việc học các kiến thức cơ bản của công nghệ thông tin như nguyên lý hoạt động của máy tính, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, ngôn ngữ lập trình, phương pháp phát triển phần mềm,…, sinh viên sẽ được học các kiến thức về nguyên lý hoạt động của mạng Internet, các cơ chế truyền thông dữ liệu, phát triển các ứng dụng Internet và điện toán đám mây, IoT, các phương thức quản trị và đảm bảo an toàn an ninh mạng, …

     Ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu được giảng dạy bởi các giảng viên có trình độ chuyên môn cao của Khoa Công nghệ thông tin, với  cơ sở vật chất, trang thiết bị được Đại học Quốc gia và Trường Đại học Công nghệ đầu tư hiện đại, bài bản. Năm 2022, ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu của trường đã được chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn AUN – QA của Tổ chức mạng lưới các trường đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network).

    Cơ hội việc làm đa dạng, thu nhập hấp dẫn

   Xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ dẫn đến sức hút của ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu “lên ngôi”. Theo dự báo từ năm 2022 – 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 – 195.000 nhân lực công nghệ thông tin hằng năm, khoảng cách này dự kiến còn cao cho đến năm 2024, khi nhu cầu có thể lên tới 800.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin (theo báo Người lao động). Con số này có thể minh chứng cho nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao của rất nhiều doanh nghiệp lớn/nhỏ, đồng thời, cũng mở ra “cơ hội vàng” cho những tân kỹ sư được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp từ những môi trường đại học uy tín hàng đầu tại Việt Nam.

    Theo học ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN, sinh viên sau khi ra trường sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn tốt, đầy đủ năng lực và phẩm chất để lựa chọn các vị trí việc làm như:

– Về lĩnh vực Điện toán đám mây (Cloud Computing)

    Theo thống kê trên mạng xã hội nghề nghiệp Linkedln, điện toán đám mây (Cloud Computing) là một trong những kĩ năng nằm trong top 10 kĩ năng công nghệ có nhu cầu cao nhất năm 2022. Trường Đại học Công Nghệ hiện là thành viên trong chương trình đào tạo Điện toán đám mây của Amazon (Amazon AWS Educate), qua đó, sinh viên sẽ được trợ cấp dùng dịch vụ cloud của Amazon miễn phí, được tham gia đào tạo và thực hành về các chủ đề cloud và các giải pháp AWS, được tăng cơ hội nghề nghiệp qua chương trình AWS Educate Cloud Career Pathway. Sinh viên có thể lựa chọn làm các công việc sau:

  • Quản trị hệ thống trung tâm dữ liệu (data center): Quản trị hệ thống server Window, Linux; Quản trị hệ thống web server Apache, Nginx; Quản trị hệ thống email server; Bảo mật hệ thống (Window, Linux)…
  • Kỹ sư phát triển ứng dụng Cloud: Thiết kế, lập trình hệ thống và ứng dụng, tích hợp nền tảng Cloud Computing với các phần mềm ứng dụng; Nghiên cứu, tư vấn các giải pháp về Cloud Computing, Virtualization…

– Về lĩnh vực Internet của vạn vật (Internet of Things – IoT)

    IoT – một trong ba lĩnh vực công nghệ 4.0 được các chuyên gia công nghệ dự đoán là sẽ định hình tương lai ngành công nghiệp 4.0 (Industrial 4.0) trong tương lai (2 lĩnh vực còn lại là Cloud Computing và Artificial Intelligent), đã và đang tạo ra thị trường việc làm vô cùng lớn. Sinh viên học tại UET có cơ hội làm việc trên phòng thực hành IoT của bộ môn để nghiên cứu những giải pháp áp dụng IoT vào nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nhà thông minh, …, được tham gia khóa học đào tạo chứng chỉ IoT do Cisco cấp bằng. Cùng với đó là cơ hội nghề nghiệp đa dạng, hấp dẫn:

  • Chuyên gia phân tích dữ liệu IoT: Thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu thu được từ các giải pháp IOT; Đưa ra những cơ hội kinh doanh mới nhờ dựa vào các kết quả phân tích thu thập được
  • IoT Product Manager: Phân tích và thiết kế giải pháp IoT tổng thể (sensors, kết nối cloud, giải pháp phân tích dữ liệu…); Phân tích các cơ hội kinh doanh của một giải pháp IoT và những yêu cầu cần thiết để triển khai giải pháp
  • Kỹ sư phát triển hệ thống IoT: Phân tích, thiết kế, phát triển và triển khai các hệ thống IoT, từ hệ thống phần cứng đến lập trình và triển khai phần mềm nhúng, phần mềm phía người dùng

– Về lĩnh vực Quản trị mạng và an toàn thông tin

Quản trị mạng và an ninh thông tin (Network management and Information Security) hiện đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều cơ quan, doanh nghiệp hay chính phủ. Lựa chọn định hướng chuyên môn sâu về lĩnh vực này, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí công việc:

  • Network Engineer (Kĩ sư mạng): Thiết kế, lắp đặt, cấu hình và bảo trì hạ tầng mạng quy mô lớn; Cài đặt, hỗ trợ và duy trì phần cứng và phần mềm cơ sở hạ tầng mạng; Sẵn sàng ứng cứu khi hệ thống gặp sự cố nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt 24/7
  • Network Architect (Kiến trúc mạng): Tìm hiểu các yêu cầu về business của công ty; Đưa ra định hướng xây dựng một mạng IT đáp ứng được yêu cầu kinh doanh của công ty; Tính toán được các mức đầu tư cần thiết để triển khai thành công kiến trúc mạng đó.
  • Network Security Engineer (Kĩ sư An ninh mạng): Triển khai và hỗ trợ các giải pháp liên quan đến bảo mật hệ thống như firewall, IPS, VPN; Sử dụng các công cụ kiểm tra khả năng chống tấn công mạng, các công cụ giả lập tấn công mạng; Hỗ trợ thiết kế mạng.
  • Security Solution Engineer (Kỹ sư đưa ra các giải pháp bảo toàn An ninh mạng): Nghiên cứu, cập nhật công nghệ, nhu cầu và định hướng của thị trường bảo mật, các giải pháp của các hãng bảo mật; Đề xuất, tư vấn lãnh đạo roadmap về công nghệ trong lĩnh vực bảo mật phù hợp với nhu cầu của công ty;….

– Về lĩnh vực Phát triển ứng dụng/dịch vụ Web

      Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động trên nền tảng cloud, dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu tạo ra các ứng dụng hoạt động trên nền tảng Web. Sinh viên có thể trở thành:

  • Front-End Developer (Lập trình viên Front-End): Thiết kế đồ họa cho giao diện của các ứng dụng Web; Viết code xây dựng giao diện của các ứng dụng Web; Phối hợp với back-end developer để xây dựng tính năng của ứng dụng.
  • Back-End Developer (Lập trình viên Back-End): Xây dựng, phát triển những tính năng của một ứng dụng web thông qua việc sử dụng; Các kiến thức về cơ sở dữ liệu (MySQL, SQLite, PostgreSQL, MongoDB); Các ngôn ngữ lập trình phía server (Python,  PHP, Ruby, NodeJS); Các công nghệ webserver (Apachie, Nginx)…
  • Full Stack Web Developer (Nhà phát triển web): Thiết kế, xây dựng toàn bộ một ứng dụng web từ frond-end đến back-end

– Về lĩnh vực Công nghệ không dây thế hệ mới – Next generation wireless technology (4G, 5G)

     Với số lượng người sử dụng thiết bị di động để truy cập internet ngày càng tăng, cùng với yêu cầu về tốc độ trao đổi dữ liệu qua mạng không dây lớn, dẫn đến nhu cầu nhân lực “khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ cao này:

  • Kĩ sư mạng vô tuyến: Chịu trách nhiệm về khảo sát tại chỗ, lắp đặt, thử nghiệm, vận hành, hỗ trợ kỹ thuật và bảo trì các mạng di động; Triển khai các phần mềm của các mạng không dây di động; Xác định và xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh; Cung cấp giải pháp kỹ thuật lập kế hoạch và thực hành hỗ trợ mạng…
  • Kĩ sư Datacom: Thực hiện các dự án, công việc kỹ thuật về Datacom; Tham gia vào thiết kế mảng Datacom; Hỗ trợ kỹ thuật, triển khai dự án, kiểm tra và vận hành, duy trì, bảo dưỡng hệ thống Datacom…
  • Kĩ sư quản lý điều hành mạng viễn thông: Quản lý, giám sát, vận hành các thiết bị phần mạng lõi, hệ thống dịch vụ truyền dẫn, kết nối các hướng lưu lượng quốc tế và mạng khác.
  • Kĩ sư tối ưu hóa mạng di động: Thiết kế, tư vấn, xây dựng các phương án kỹ thuật cho các dịch vụ tối ưu chất lượng mạng thông tin di động 3G, 4G; Triển khai dịch vụ tối ưu mạng vô tuyến cùng với các dự án mở rộng vùng phủ sóng và dung lượng mạng
  • Kĩ sư lập trình nhúng: Lập trình nhúng cho thiết bị mạng sử dụng ngôn ngữ C; Phát triển thiết bị nhúng dựa trên nền tảng Linux Kenel; Thiết kế, phát triển giao thức mạng ở Layer 2 và Layer 3…

– Giảng viên, nghiên cứu viên ở các trường đại học, cao đẳng

     Với các sinh viên mong muốn làm việc trong môi trường giáo dục, nghiên cứu thì có thể trở thành chuyên viên hay giảng viên làm việc, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, đào tạo về công nghệ thông tin.

Ưu điểm vượt trội của ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu tại UET

Lĩnh vực đào tạo được “góp mặt” trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới

     Là thành viên trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN đứng Số 1 Bảng xếp hạng ĐH Việt Nam (VNUR 2023), các chương trình đào tạo thuộc nhóm lĩnh vực “Kỹ thuật và Công nghệ” của Nhà trường được Bảng xếp hạng QS thế giới năm 2022 (QS WUR) đánh giá ở vị trí 386 thế giới, trong đó, riêng lĩnh vực Khoa học máy tính và hệ thống thông tin được xếp hạng 501-550 thế giới.

     Trở thành sinh viên của ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu tại UET, bạn sẽ thụ hưởng chương trình đào tạo chất lượng cao được đánh giá, xếp hạng hàng đầu tại Việt Nam, cũng như trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới. Bằng cấp giá trị, chắc chắn sẽ giúp bạn tạo bước đà rộng mở sự nghiệp trong tương lai.

      Đội ngũ giảng viên là những chuyên gia đầu ngành, tâm huyết, trách nhiệm

     Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin – Trường Đại học Công nghệ đều là những Giáo sư, Tiến sĩ có trình độ học thuật cao, giàu chuyên môn, kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các thầy cô luôn tận tâm, nhiệt huyết và đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình học tập, rèn luyện, để hỗ trợ, hướng dẫn, và truyền cảm hứng cho các em phát triển, bứt phá trên con đường mà bản thân lựa chọn.

    Cơ sở vật chất chất lượng cao phục vụ cho học tập, nghiên cứu, thực hành

     Hiện nay, Nhà trường đã đầu tư hệ thống các giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành với thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ cho tất cả sinh viên theo học đều có cơ hội, không gian để học tập, tiếp cận với công nghệ hiện đại, tân tiến, phục vụ tốt nhất cho quá trình học, nghiên cứu, thực hành một cách bài bản, chuyên nghiệp.

     Môi trường năng động, sáng tạo, mở rộng giao lưu quốc tế

    Không chỉ học tập trong môi trường giáo dục top đầu Việt Nam, sinh viên UET còn có cơ hội giao lưu, học hỏi trong môi trường quốc tế, gặp gỡ các giáo sư, chuyên gia nước ngoài thông qua các buổi workshop, các chương trình hợp tác giảng dạy, trao đổi tín chỉ… với các đối tác nước ngoài uy tín của Nhà trường.

    Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội nhận nhiều học bổng hấp dẫn, giá trị cao, được tham gia các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, sân chơi trí tuệ, các cuộc thi Khoa học – Công nghệ quy mô lớn… góp phần tạo nên những năm tháng sinh viên sôi nổi và năng động.

    Ngoài ra, sinh viên UET còn có nhiều cơ hội đi thực tập, thực tế và tiếp cận việc làm sớm, cộng tác cho nhiều cơ quan, doanh nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế Nhà trường, qua các chương trình “Ngày hội việc làm công nghệ – UET Job Fair” với hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Vì vậy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành MMT&TTDL có việc làm đúng ngành đào tạo trong những năm gần đây đạt gần 100% theo khảo sát của Nhà trường.

 Sinh viên UET nhận học bổng, giải thưởng ở các cuộc thi lớn

     Chia sẻ của Thủ khoa Ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu

     Trần Nguyễn Phương Nam – Thủ khoa tốt nghiệp ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu (QH-2018-I/CQ), Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN chia sẻ rằng: “Điều ấn tượng nhất đối với mình khi nhắc đến Nhà trường đó là định hướng giảng dạy tập trung về thực hành, liên kết với nhiều doanh nghiệp hàng đầu giúp sinh viên tiếp cận thị trường từ sớm, được trải nghiệm môi trường doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đồng thời, có những khóa học “thực chiến” giúp sinh viên nâng cao kỹ năng, tích lũy thêm các chứng chỉ quốc tế phục vụ cho công việc sau khi tốt nghiệp…” Ngoài ra, Phương Nam cũng cho biết, UET không chỉ đem đến môi trường học tập lý tưởng cho những sinh viên yêu thích, đam mê lĩnh vực công nghệ, mà còn có nhiều loại học bổng – trở thành nguồn động lực lớn cho mỗi sinh viên.

Trần Nguyễn Phương Nam – Thủ khoa tốt nghiệp Ngành Mạng máy tính & T ruyền thông dữ liệu, Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN

    Sau khi tốt nghiệp vào tháng 1/2023, Trần Nguyễn Phương Nam đã trở thành tân kỹ sư trẻ tuổi nhất tại Công ty TNHH CMC Global – một trong những công ty công nghệ lớn của Việt Nam.

    Nếu bạn là một người yêu thích khám phá và làm chủ công nghệ, máy tính, muốn phát triển sự nghiệp theo xu hướng của thời đại, vậy còn chần chờ gì mà không lựa chọn ngay ngành Mạng máy tính và Truyền thông Dữ liệu tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN!

Bài viết liên quan:

Lựa chọn ngành Kỹ thuật năng lượng: Bước đệm trở thành công dân toàn cầu, nâng tầm sự nghiệp

Vật lý Kỹ thuật – Ngành học tiên phong trong lĩnh vực công nghệ mới

Sở hữu tấm bằng Kỹ sư Robot, nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại các công ty trong nước và quốc tế

Ngành Công nghệ Nông nghiệp: Lựa chọn phát triển tương lai từ xu hướng tất yếu và thế mạnh của đất nước

Ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa – Ngành học bắt nhịp với xu thế của thời đại

Bài viết liên quan