Hành trình 30 năm trưởng thành và 10 năm tiên phong thực hiện NQ 29 của ĐHQGHN
Hành trình đó ĐHQGHN đã phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu lớn, luôn là đại học hàng đầu, là nòng cốt của hệ thống GDĐH Việt Nam.
Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ với sứ mạng là đại học trọng điểm quốc gia – một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, làm nòng cốt và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục nước nhà.
Hành trình 30 năm trưởng thành phát triển và 10 năm tiên phong thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu lớn, luôn khẳng định là đại học hàng đầu, là nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, mạnh cả về cơ cấu tổ chức và quy mô
Khi mới thành lập, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ có 3 trường đại học thành viên là Trường Đại học Tổng hợp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ.
Đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 9 trường đại học thành viên, 5 viện nghiên cứu, 2 trường trực thuộc và 2 khoa trực thuộc. Quy mô đào tạo những năm đầu mới thành lập chỉ khoảng 10.000 sinh viên chính quy và 50 nghiên cứu sinh, sau 30 năm, quy mô đào tạo bậc đại học đã tăng gấp 6 lần (hơn 60.000 sinh viên) và quy mô đào tạo nghiên cứu sinh đã tăng hơn 20 lần (hơn 1.100 nghiên cứu sinh).
Từ chỗ chỉ có hơn 50 ngành đào tạo, đến nay Đại học Quốc gia Hà Nội đã tuyển sinh với 143 ngành trình độ đại học, 198 ngành/chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 118 ngành/chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Quốc gia Hà Nội có thế mạnh hơn tất cả các đại học khác ở chỗ có đầy đủ tiềm lực và đội ngũ để có thể tham gia giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ trọng điểm của đất nước trong tất cả các lĩnh vực từ khoa học cơ bản trong tự nhiên và xã hội nhân văn đến kinh tế, luật, khoa học công nghệ, khoa học giáo dục, các lĩnh vực khoa học sức khỏe và liên ngành.
Góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước
Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đào tạo từ trung học cơ sở, trung học phổ thông đến tiến sĩ. Ngoài các trường chuyên được thành lập lâu đời với bề dày thành tích được cả nước biết đến như: Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên) và Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ), mới đây, Trường Trung học phổ thông Khoa học Giáo dục (thuộc Trường Đại học Giáo dục), Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) đã được thành lập.
Đặc biệt, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên đã đạt được nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế và châu lục, đứng đầu về huy chương vàng trong nhiều kỳ thi Olympic quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh các chương trình đào tạo hệ chuẩn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng các chương trình đặc biệt để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Lần đầu tiên ở Việt Nam, năm 1997, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng và triển khai dự án “Đào tạo cử nhân khoa học tài năng” và từ năm 2001 là Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”.
Ngoài truyền thống đào tạo nhân tài ở bậc trung học phổ thông chuyên, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam thực hiện một cách chính quy công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài ở bậc đại học. Mục tiêu của Dự án năm 2001 là khai thác tiềm lực và thế mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội về cơ sở vật chất và đội ngũ khoa học đầu ngành để tham gia đào tạo các nhà khoa học giỏi thuộc các ngành khoa học cơ bản cốt lõi, các ngành công nghệ cao và kinh tế – xã hội mũi nhọn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Từ năm 2006 trở đi, để tăng cường hội nhập các chuẩn mực quốc tế, trong khi quy mô đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao còn nhỏ, mức độ “quốc tế hoá” về chương trình, phương pháp đào tạo, ngoại ngữ sử dụng chưa đủ cao, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu triển khai đào tạo các Chương trình đào tạo tiên tiến. Đây là các chương trình đào tạo bậc đại học, sử dụng toàn bộ chương trình, giáo trình của một đại học nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và cấp kinh phí triển khai thực hiện. Đội ngũ giảng viên của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài. Chương trình này chỉ đảm nhận việc phát triển quốc tế hóa một chương trình đào tạo, chưa nhằm mục tiêu phát triển được cả ngành, đơn vị cấp Khoa đạt chuẩn quốc tế.
Tiếp sau Chương trình đào tạo tiên tiến, năm 2007, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, còn gọi là chương trình nhiệm vụ chiến lược (ban đầu được gọi là chương trình 16-23, vì tập trung lựa chọn được 16 ngành đại học và 23 chuyên ngành sau đại học tham gia chương trình). Mục tiêu của chương trình này là xây dựng và phát triển cả ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế, từ chương trình đào tạo đến đội ngũ, cơ sở vật chất, học liệu, nguồn nhân lực theo các tiêu chí đánh giá xếp hạng nhằm tạo tiền đề và điều kiện để phát triển từng bước từ bộ môn, khoa đến trường đại học thành viên đạt chuẩn quốc tế và được đầu tư, phê duyệt theo từng đề án cho từng ngành/chuyên ngành.
Với triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu để đảm bảo chất lượng và nghiên cứu để tiếp cận trình độ của thế giới, đào tạo trình độ cao, ngay từ năm 2004, tại phiên họp lần thứ X Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệm kỳ 2000-2005 đã xác định các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu, như chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu; tỷ lệ sinh viên/giảng viên; tỷ lệ đào tạo sau đại học/đại học; số lượng, chất lượng và lượt trích dẫn của các công bố quốc tế… và đây chính là những định hướng quan trọng cho các hoạt động của nhà trường.
Tiên phong đổi mới nhiều lĩnh vực trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam
Thứ nhất, đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực
Bắt đầu từ năm 2013, Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt tay vào xây dựng Đề án đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực và suốt trong 3 năm (2013-2015), Ban Đào tạo là đơn vị đầu mối trực tiếp triển khai xây dựng ma trận đề thi, ngân hàng câu hỏi cũng như các quy chế, quy trình, phần mềm phục vụ tuyển sinh theo đánh giá năng lực- làm tiền đề cho việc thành lập Trung tâm Khảo thí – đơn vị chuyên trách tổ chức thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2015, áp dụng thí điểm bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh hệ tài năng, chất lượng cao. Năm 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đi đầu trong đổi mới tuyển sinh đại học theo đánh giá năng lực cho tất cả các chương trình đào tạo.
Với phổ kiến thức vừa rộng lại vừa sâu, phong phú, kết quả thi nhanh, việc chấm thi tự động bằng máy khách quan, trung thực, và có thể tổ chức cho thí sinh chủ động đăng ký thi nhiều lần trong năm, tuyển sinh theo đánh giá năng lực đã được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao, như luồng gió mới làm mát dịu những căng thẳng của các kỳ thi đại học theo “3 chung” cứ mỗi năm vào hè tháng 6. Nhiều trường đại học khác đã tin cậy và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh.
Năm 2020, một lần nữa cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội lại được đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế. Nếu như giai đoạn trước bài thi đánh giá năng lực được tách thành 4 đầu điểm thành phần: Tư duy định tính, định lượng (để cho đơn giản, có thể hiểu là ngữ văn và toán), Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, thì nay gộp lại thành 1 đầu điểm với 3 thành phần chủ yếu là toán, ngữ văn và Khoa học. Qua đó hội nhập với các bài thi chuẩn hóa như SAT, ACT của Hoa Kỳ và kiến thức STEM trong tuyển sinh đầu vào đã được tính đến với tất cả các ngành đào tạo.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ
Đứng trước những yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là đào tạo đội ngũ giảng viên các trường đại học trên cả nước có trình độ tiến sĩ. Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai Đề án đổi mới đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội và đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới (2017, 2022). Hai quy chế mới này là những bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo.
Hiện, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học duy nhất trong cả nước yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế
Hiện nay, chỉ có Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học duy nhất trong cả nước yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế. Quy chế của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nâng cao chuẩn chất lượng của đội ngũ giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng như đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, giảng dạy bậc tiến sĩ; đồng thời quy chế của Đại học Quốc gia Hà Nội còn nhấn mạnh trọng tâm vào quy trình quản lý tổ chức đào tạo: yêu cầu gắn hoạt động làm luận án của nghiên cứu sinh với các nhóm nghiên cứu, với hoạt động trợ giảng của nghiên cứu sinh và các hoạt động chuyên môn thường xuyên của bộ môn/phòng thí nghiệm…
Nhờ có những quy chế này, chất lượng đào tạo tiến sĩ của Đại học Quốc gia Hà Nội được giữ vững, xã hội tin cậy và ngày càng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đào tạo hàng ngàn tiến sĩ có chất lượng cao, là đội ngũ giảng viên nòng cốt cho các trường đại học khác trên địa bàn cả nước.
Thứ ba, xây dựng các chính sách mới, đặc thù cho học sinh trung học phổ thông chuyên
Một sáng kiến và quyết sách đổi mới không thể không nhắc đến là: để lựa chọn được nhiều học sinh ưu tú vào học theo chương trình đại học, ngay từ năm 2014, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong nghiên cứu và ban hành quy chế đặc thù cho học sinh chuyên trong Đại học Quốc gia Hà Nội (và năm 2022 ban hành quy chế đặc thù sửa đổi áp dụng cho cả học sinh tất cả các trường chuyên, cũng như tổ chức các kỳ thi Olympic học sinh giỏi cấp Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển chọn nhân tài, bổ sung nguồn đầu vào có chất lượng cao từ học sinh các trường trung học phổ thông trên toàn quốc) – ban hành các tiêu chí và quy định xét tuyển thẳng vào các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội những học sinh trung học phổ thông có thành tích và năng lực học tập xuất sắc.
Thứ tư, gắn đào tạo với nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, hội nhập với quốc tế
Chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội là theo mô hình đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo (innovation) do đó các chương trình đào tạo của nhà trường được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để vươn tới đỉnh cao tri thức; rồi từ nghiên cứu đỉnh cao lại thúc đẩy đào tạo trình độ cao và thông qua đó phát triển tiềm lực khoa học công nghệ.
Đến nay, ở Đại học Quốc gia Hà Nội có hàng trăm nhóm nghiên cứu, trong đó có hơn 30 nhóm nghiên cứu đã được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Dưới sự dẫn dắt của các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn – các nhóm nghiên cứu đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo tài năng theo cá thể hóa, thúc đẩy công bố quốc tế và hoạt động đổi mới sáng tạo, cũng như trong việc mở các ngành/chuyên ngành đào tạo mới, các bộ môn/phòng thí nghiệm mới của Đại học Quốc gia Hà Nội trong những năm qua.
Cũng nhờ đào tạo thông qua nghiên cứu, các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được tham gia hoạt động trong môi trường các nhóm nghiên cứu mạnh và nhờ vậy được thắp sáng tài năng. Đến nay, 100% nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên – công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội có công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu của Web of Science. Không ít nghiên cứu sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội được đào tạo trong nước, nhưng đã có kết quả nghiên cứu, số lượng và chất lượng các công bố quốc tế cao hơn so với các nghiên cứu sinh được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.
Thứ năm, tiên phong triển khai toàn diện đào tạo theo tín chỉ, đổi mới chương trình đào tạo theo CDIO
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là một trong những đơn vị tiên phong triển khai đào tạo theo tín chỉ và theo CDIO thành công ở Việt Nam. Sau một số năm nghiên cứu, tìm hiểu phương thức tổ chức và quản lý đào tạo theo mô hình tín chỉ và CDIO của nước ngoài, ngay từ năm 2006, Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu triển khai áp dụng một số yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ.
Đến năm 2010 tiến thêm một bước là chuyển đổi chương trình, xây dựng đề cương môn học; áp dụng phương pháp dạy – học và kiểm tra đánh giá theo tín chỉ, đồng thời bắt đầu triển khai một số chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO. Từ 2013, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hoàn thành xây dựng và công bố các chuẩn đầu ra của tất cả các chương trình đào tạo ở tất cả các bậc: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Khai trương khu thể dục thể thao Đại học Quốc gia Hà Nội
Đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã áp dụng hoàn toàn và triệt để phương thức đào tạo theo tín chỉ. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn đầu ra, nhiều chương trình được thiết kế và triển khai theo chuẩn CDIO với các khối kiến thức chung được giảng dạy thống nhất trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời phát huy được những đặc thù của đơn vị.
Thứ sáu, tiên phong mở các ngành mới thí điểm
Đại học Quốc gia Hà Nội tiên phong mở các ngành mới, ngành/chuyên ngành thí điểm, chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo của Nhà nước như an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ hàng không vũ trụ, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu…
Đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội có hơn 50 ngành/chuyên ngành đào tạo thí điểm ở bậc đại học và sau đại học. Đây chính là những “đặc sản” trong đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thứ bảy, tiên phong trong hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm định, khảo thí và đổi mới hoạt động giảng dạy
Với tầm nhìn xa, tổng hợp, bao quát, ngay từ năm 1995, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục.
Đại học Quốc gia Hà Nội tiên phong trong cả nước lần đầu tiên mở ngành đào tạo thạc sĩ đo lường và đánh giá trong giáo dục năm 2005, và chỉ 3 năm sau – năm 2008 mở ngành và tuyển sinh đào tạo tiến sĩ về lĩnh vực này, nhờ đó đã đào tạo hàng trăm cán bộ cốt cán làm việc trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng, kiểm định cũng như khảo thí của cả nước. Mã ngành đào tạo này sau đó đã được đưa vào danh mục đào tạo của Nhà nước.
Năm 2010, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nâng cấp và đổi tên Trung tâm thành Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục.
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội và đây cũng là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên của Việt Nam.
Năm 2014, Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Trung tâm khảo thí.
Viện Đảm bảo chất lượng, Trung tâm kiểm định và Trung tâm khảo thí của Đại học Quốc gia Hà Nội đều là những cơ sở đầu tiên và sớm nhất trong những lĩnh vực này của hệ thống giáo dục đại học nước nhà.
Trước những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong giáo dục, năm 2018 -2019, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng đề án đổi mới hoạt động giảng dạy, không chỉ chú trọng ứng dụng phát triển các phần mềm blended learning, ứng dụng những công nghệ mới trong đào tạo mà còn đổi mới cấu trúc chương trình và kiểm tra đánh giá. Nhờ đó, trong những năm đại dịch Covid (2020, 2021), Đại học Quốc gia Hà Nội đã chủ động thích ứng và đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học, và là tiền đề để tiếp tục phát triển đại học số trong những năm tiếp theo.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng luôn chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho người học. Cho phép các sinh viên đủ điều kiện về năng lực được học bằng kép (nay gọi là song bằng) – trong thời gian học đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội có thể tích lũy tín chỉ để nhận 2 bằng đại học chính quy, cũng như thí điểm cho phép các em học sinh THPT chuyên ưu tú có thể chọn và học trước, tích lũy trước một số tín chỉ ở bậc đại học. Đây là những chính sách rất tuyệt vời khuyến khích và tạo cơ hội cho người học và chỉ có ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2022 đã vươn lên trong top 800 đại học hàng đầu thế giới
Theo bảng xếp hạng đại học QS, năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nằm trong top 800 đại học hàng đầu thế giới và có và thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng khác của quốc tế như THE, ARWU.
Cũng trong năm 2022, 6 lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã lọt top 400-600 thế giới trong bảng xếp hạng QS: Toán học (351-400), Vật lý (401-500), 3 lĩnh vực Cơ kỹ thuật và Kỹ thuật điện – Điện tử, Kinh doanh và Khoa học Quản lý top 401-500, Khoa học Máy tính và hệ thống thông tin (501-600). Lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ đi sau về trước, đã vươn lên ngoạn mục, xếp hạng 386 thế giới.
Đại học Quốc gia Hà Nội có những nhà khoa học xuất sắc được quốc tế công nhận, xếp hạng trích dẫn và ảnh hưởng trong top 10.000, và thậm chí trong top 100 của thế giới, và hàng đầu của Việt Nam. Đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn, đội ngũ cán bộ trí thức tài năng – nguồn nhân lực trình độ cao chính là tiềm lực mạnh nhất, là vốn quý nhất làm nên thương hiệu và những giá trị cốt lõi của nhà trường.
Trụ sở nhà điều hành và sinh viên chuyển lên Hòa Lạc
Điểm nhấn mới nhất là sau hơn 20 năm quy hoạch, ấp ủ và mong đợi, năm 2022 để lại dấu ấn lịch sử – trụ sở nhà điều hành đã chuyển hoàn toàn lên Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã đưa hơn 1500 sinh viên lên Hòa Lạc học tập thành công.
Năm 2023, hơn 7.000 sinh viên của các đơn vị thành viên như Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Luật, Trường Đại học Việt Nhật, Trường Đại học Y dược, Trường Đại học Giáo dục, Trường quốc tế, Khoa các khoa học liên ngành, Trường THPT khoa học giáo dục (HES) đã lên Hòa Lạc học tập. Việc chuyển cơ quan điều hành của Đại học Quốc gia Hà Nội và đưa sinh viên của các trường lên Hòa Lạc đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của Hòa Lạc.
Năm 2022 để lại dấu ấn lịch sử khi trụ sở nhà điều hành của Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển hoàn toàn lên Hòa Lạc và đưa hơn 1500 sinh viên lên Hòa Lạc học tập thành công
Nhờ có cơ sở vật chất rộng rãi, tiện nghi và hiện đại, Đại học Quốc gia Hà Nội có điều kiện để xây dựng những ngành mới, mô hình đào tạo mới (như chương trình giáo dục toàn diện cho sinh viên trên Hòa Lạc), biến Hòa Lạc thành lợi thế và tài nguyên cho sự phát triển của nhà trường trong giai đoạn tới.
Minh chứng cho sự đúng đắn và thành công của mô hình Đại học Quốc gia
Những thành tựu trên đây của Đại học Quốc gia Hà Nội đã chứng minh sự đúng đắn và thành công của mô hình Đại học Quốc gia, thực sự xứng đáng là “tập đoàn quân chủ lực”, là trụ cột của hệ thống giáo dục đại học của nước nhà trong suốt chặng đường 30 năm qua. Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong và tích cực triển khai hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – Lê Quân tham quan phòng học của sinh viên tại Hòa Lạc
Mới đây nhất, tháng 10/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp và tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW về đội ngũ trí thức và thông qua Nghị quyết mới về việc xây dựng, phát huy vai trò của trí thức xứng tầm là nguyên khí quốc gia, trong đó kết luận ưu tiên đầu tư phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và hai Viện hàn lâm. Đây là những quan điểm chỉ đạo rất quan trọng để 2 Đại học Quốc gia vững bước phát triển trong giai đoạn mới.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được rất vẻ vang và rất đáng tự hào, giáo dục đại học, trong đó có 2 Đại học Quốc gia đang đứng trước những thách thức về tự chủ đại học; mô hình phát triển trường đại học tự chủ trong đại học; mô hình của 2 đại học quốc gia trong bối cảnh mới; đứng trước những thách thức về sự phát triển vượt bậc về quy mô (giữa số lượng và chất lượng), về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; về công ăn việc làm của người học sau khi tốt nghiệp; cạnh tranh về thu nhập của cán bộ giảng viên; chất lượng đào tạo và nghiên cứu, chất lượng đội ngũ; sự hội nhập với trình độ và các chuẩn mực của quốc tế,…
Nhìn lại chặng đường đã qua và hành trình trong giai đoạn tới, chúng ta tin tưởng Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt và giải pháp hữu hiệu để đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học Việt Nam và phát triển 2 Đại học Quốc gia lên tầm cao mới, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, đất nước và Nhân dân.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường ĐHCN, Nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN