GS.TSKH Nguyễn Đình Đức làm Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ

Ngày 16/5/2023, Giám đốc ĐHQGHN đã ký QĐ số 1702/QĐ-ĐHQGHN ngày 16/5/2023 về việc công nhận GS.TSKH Nguyễn Đình Đức làm Chủ tich Hội đồng trường ĐH Công nghệ –  ĐHQGHN. Trước đó, ngày 05/5/2023, hội đồng trường ĐH Công nghệ đã họp và bầu GS Nguyễn Đình Đức làm Chủ tịch Hội đồng trường với sự tín nhiệm tuyệt đối.

GS Nguyễn Đình Đức đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trải qua 2 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Đào tạo (Đại học và Sau đại học) của ĐHQGHN. Trên cương vị này, GS Nguyễn Đình Đức đã có nhiều sáng kiến và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ĐHQGHN như phát triển các chương trình tài năng, chất lượng cao và chuẩn quốc tế: trong năm 2022, quy mô tuyển sinh các hệ này đã đạt 45% chỉ tiêu tuyển sinh của ĐHQGHN; mở nhiều ngành đào tạo mới và các ngành thí điểm đặc sắc; ban hành nhiều chính sách hay và tiên phong như chính sách đặc thù với học sinh THPT của ĐHQGHN (xét tuyển thẳng vào đại học với các em học sinh THPT chuyên có thành tích và kết quả học tập xuất sắc; cho phép học sinh THPT chuyên được tích lũy, học trước một số môn ở bậc đại học,…); tổ chức kỳ thi Olympic ĐHQGHN để phát hiện, tuyển chọn các em học sinh bậc THPT giỏi trên cả nước tạo nguồn vào đại học chất lượng cao; đi đầu trong cả nước sử dụng các kết quả đánh giá năng lực quốc tế uy tín như SAT, ACT, A-level Cambridge để xét tuyển vào đại học chính quy ở Việt Nam; đặc cách miễn phản biện kín với các nghiên cứu sinh có công bố quốc tế xuất sắc; khởi nguồn và tiên phong xây dựng và triển khai đề án đánh giá năng lực áp dụng trong tuyển sinh đại học chính quy ở ĐHQGHN; xây dựng các quy chế đào tạo đại học và sau đại học có nhiều điểm mới, đặc sắc, giữ vững chất lượng, thể hiện sự tiên phong và hội nhập với các chuẩn mực quốc tế ở ĐHQGHN (đến nay ĐHQGHN là cơ sở đào tạo duy nhất trong cả nước yêu cầu nghiên cứu sinh khi bảo vệ luận án phải có công bố quốc tế); thúc đẩy tích hợp đào tạo gắn với nghiên cứu; gắn đào tạo và nghiên cứu với thực tiễn; xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học; thúc đẩy xuất bản và số hóa giáo trình, học liệu; triển khai và đẩy mạnh tin học hóa quản lý đào tạo và tuyển sinh ở ĐHQGHN.

Đồng thời, GS Nguyễn Đình Đức cũng là người chủ chốt xây dựng các đề án đào tạo nhân lực cho các tỉnh Tây Bắc, cho khu vực các tỉnh phía Nam và Nam Trung bộ; chủ trì triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ các ngành khoa học cơ bản; đề án đào tạo tiến sỹ đạt chuẩn quốc tế; đề xuất chính sách hỗ trợ học bổng cho NCS và thực tập sinh (xuất sắc) sau tiến sỹ ở ĐHQGHN; GS Đức cũng đã nhiều năm tham gia Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và các hội đồng chuyên môn khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt GS là người kiên trì và định hướng đổi mới cơ cấu ngành nghề trong đào tạo ở ĐHQGHN, từ chỗ chỉ tập trung đào tạo các ngành khoa học cơ bản sang đào tạo nhiều ngành mới liên ngành, các ngành kỹ thuật công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh đào tạo hệ kỹ sư: 10 năm trước các ngành kỹ thuật công nghệ chỉ chiếm khoảng 8%, đến nay đã lên tới hơn 20% chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ĐHQGHN.

Trong thời gian GS Đức đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Đào tạo, công tác quản lý đào tạo ở ĐHQGHN thể hiện vừa có tâm, vừa có tầm, kiên định giữ vững chất lượng và kỷ cương trong đào tạo, thúc đẩy hoạt động đào tạo và nghiên cứu hội nhập với các chuẩn mực quốc tế, để ĐHQGHN luôn xứng đáng là địa chỉ tin cậy đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, tiên phong, đầu tàu đổi mới và là nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. 

Được biết trước đó, GS Nguyễn Đình Đức đã từng là Trưởng Ban KHCN của ĐHQGHN (2005-2008), và 15 năm về trước đã từng làm Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ (2008-2012).

GS Nguyễn Đình Đức còn là người Thầy, nhà khoa học tài năng và tâm huyết, có ảnh hưởng và uy tín trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. GS Nguyễn Đình Đức là Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của ĐHQGHN – đã triển khai những hướng nghiên cứu rất mới và hiện đại về vật liệu composite tiên tiến, vật liệu thông minh có cơ lý tính biến đổi FGM và FG CNTRC; vật liệu và kết cấu auxetic; ứng dụng thuật toán tối ưu hóa của đàn ong, Machine Learning và Al trong các bài toán kỹ thuật; GS Đức đã nhiều năm là Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, thành viên Hội đồng biên tập tạp chí Toán Lý – ĐHQGHN, Tạp chí Cơ học Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCN VN), Tạp chí KHCN (Bộ KHCN) và là thành viên Hội đồng Biên tập của 10 tạp chí ISI có uy tín của quốc tế.

GS Nguyễn Đình Đức cũng là người sáng lập PTN Vật liệu và kết cấu tiên tiến (2015); sáng lập Bộ môn Công nghệ Xây dựng Giao thông (2018) và bộ môn đã trở thành Khoa vào năm 2022; GS Đức cũng là người đề xuất và xây dựng, mở ngành đào tạo thạc sỹ kỹ thuật hạ tầng, kỹ sư xây dựng ở Trường ĐH Việt Nhật (2016, 2022); ngành kỹ sư tự động hóa và tin học ở trường quốc tế (2021). Thông qua các chương trình này đã thu hút được các TS trẻ và sinh viên tài năng, phát triển các hợp tác quốc tế và các nhóm nghiên cứu mạnh, góp phần tăng cường tiềm lực KHCN trong những ngành mũi nhọn ở ĐHQGHN. Ông đã có những đóng góp quan trọng, góp phần để lĩnh vực kỹ thuật công nghệ của ĐHQGHN vươn lên và được xếp hạng 386 thế giới trong bảng xếp hạng QS năm 2022.

4 năm liên tục từ 2019 đến nay, GS Nguyễn Đình Đức lọt vào bảng xếp hạng 10.000 nhà khoa học có trích dẫn khoa học xuất sắc nhất, và năm 2022 đứng thứ 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering. GS Đức là môt trong ba giáo sư của ĐHQGHN được công nhận là Nhà giáo tiêu biểu của Ngành Giáo dục nhân dịp 40 năm sự nghiệp giáo dục (1982-2022); Giải thưởng nhà giáo tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2022.

Trong suốt thời gian 2 nhiệm kỳ – 10 năm làm Trưởng Ban đào tạo của ĐHQGHN, GS Nguyễn Đình Đức liên tục là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; trong đó có 4 lần Chiến sỹ thi đua cấp ĐHQGHN và 2 lần chiến sỹ thi đua cấp Bộ; 15 Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, 3 Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo; Huân chương Lao động Hạng 3 (2016); Huân chương Lao động Hạng nhì (2022); Tập thể Ban Đào tạo do GS Nguyễn Đình Đức lãnh đạo từ 2012 đến nay cũng hơn 10 năm liên tục là tập thể lao động xuất sắc, và đến nay là Ban chuyên môn duy nhất của ĐHQGHN vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước vào năm 2018.

                                                                ———————————-

– Căn cứ Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật số 34/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; sau đây gọi chung là Luật Giáo dục đại học.

– Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học.

– Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn sau đây: 

– Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc việc sáp nhập với trường đại học khác.

– Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

– Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật.

– Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

– Quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường đại học; chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hàng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường đại học.

– Quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; quyết định chính sách tiền lương, thưởng, quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý trường đại học theo kết quả, hiệu quả công việc và vấn đề khác theo quy định tổ chức và hoạt động của trường đại học.

– Giám sát việc thực hiện quyết định của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng trường đại học; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học; báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn thể của trường đại học về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng trường.

– Tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định của hội đồng trường; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng trường; chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong trường đại học.

– Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

                                            ———————————————–

Bài viết liên quan:

Báo Dân trí: Giáo sư top 10.000 thế giới làm Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ

Bài viết liên quan