Bản tin KHCN&HTPT (tuần từ ngày 18/03 – 24/03/2019)

   Ngày 19/03, Trường Đại học Công nghệ đã có buổi làm việc với Quỹ Khoa học công nghệ Nhật Bản (Japan Science and Technology Agency – JST) do ông Kazuki Okimura – người sáng lập Quỹ dẫn đầu.

   Tham dự tiếp đoàn có PGS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Phạm Minh Triển – Phó Trưởng phòng KHCN&HTPT và TS. Nguyễn Ngọc An- Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, TS. Bùi Ngọc Thăng – Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng.

Trường ĐHCN (bên phải ảnh) làm việc với JST về chương trình giao lưu Khoa học thanh niên Nhật Bản – châu Á SAKURA

    Sakura Exchange Program in Science là chương trình giao lưu khoa học và văn hóa thuộc dự án Japan-Asia Youth Exchange Program in Science của JST. Chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi cán bộ, sinh viên giữa các cơ quan giáo dục, các công ty Nhật Bản và các trường THCS, Cao đẳng, Đại học tại Việt Nam.

     Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi những thông tin xung quanh các điều kiện tham gia chương trình. Chương trình này được tổ chức nhằm tăng cường sự trao đổi giữa Nhật Bản và các thanh niên ưu tú châu Á, những người đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của lĩnh vực khoa học công nghệ. Chương trình là kết quả của sự hợp tác giữa Chính phủ – Các cơ sở giáo dục đào tạo – Các tổ chức, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp tại Nhật Bản. Chương trình sẽ tài trợ cho những thanh niên xuất sắc của 41 quốc gia ở châu Á một chuyến thăm ngắn hạn đến Nhật Bản. Mục tiêu cụ thể của chương trình này là nâng cao sự quan tâm của thanh niên châu Á đối với những kỹ thuật công nghệ khoa học đầu ngành tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, và công ty tư nhân Nhật Bản.Từ năm 2014 đến nay, chương trình đã có hơn 26.000 nhà khoa học, sinh viên sang Nhật Bản tham gia chương trình, trong đó Việt Nam có hơn 1.800 sinh viên được trải nghiệm môi trường sống tại Nhật. Năm 2019, chương trình dự kiến mới 30 học sinh sinh viên Việt Nam trực tiếp tham quan và dưới sự hướng dẫn của giáo sư đạt giải Nobel khoa học tại phòng thí nghiệm. Ông Kazuki Okimura – người sáng lập ra Quỹ bày tỏ quan điểm kỳ vọng vào sự tham gia tích cực của sinh viên trường ĐHCN.

Buổi làm việc đã diễn ra thành công

    Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Chử Đức Trình đã gửi lời cảm ơn và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa JST và Nhà trường. Chương trình này chính là “cơ hội vàng”, giúp sinh viên được tận mắt chứng kiến và hòa mình vào không khí học tập, làm việc tại môi trường đại học nói riêng và Nhật Bản nói chung. Đồng thời, tiếp tục cập nhật thêm nhiều kiến thức chuyên ngành mới cùng cộng đồng sinh viên quốc tế, sinh viên Nhật Bản đang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản. 

     Nhà trường hi vọng trong tương lai hai bên sẽ có thêm nhiều hợp tác và sự hỗ trợ về đào tạo, nghiên cứu của JST.

*****

     Ngày 20/03, Trường Đại học Công nghệ đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn Trường  Đại học Amrit Vishwa Vidyapeetham (Ấn Độ) do GS P. Manoj, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế dẫn đầu.

    Tham dự tiếp đoàn có PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Phạm Minh Triển – Phó Trưởng phòng KHCN&HTPT.

Trường Đại học Công nghệ (bên phải ảnh) đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn Trường Đại học Amrit Vishwa Vidyapeetham, Ấn Độ (bên trái ảnh)

     Trường Đại học Amrit Vishwa Vidyapeetham là một trường nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực được NAAC công nhận và xếp hạng là một trong những trường đại học nghiên cứu tốt nhất ở Ấn Độ. Hiện nay, Trường có hơn 20.250 sinh viên với 6 cơ sở ở ba bang của Ấn Độ và 207 chương trình đào tạo.

Trường Đại học Amrit Vishwa Vidyapeetham giới thiệu về Trường và chương trình đào tạo

    Phó Hiệu trưởng Phạm Bảo Sơn bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc trước thiện chí hợp tác của Trường Đại học Amrit Vishwa Vidyapeetham. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng khẳng định Trường Đại học Công nghệ và Trường Đại học Amrit Vishwa Vidyapee đều có cùng quan điểm trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai. Trong thời gian tới, hi vọng cả hai bên sẽ tổ chức được những khóa trao đổi ngắn hạn đối với sinh viên, nghiên cứu sinh và hợp tác nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực khoa học công nghệ đều là thế mạnh của hai bên.

(UET-News) 

Bài viết liên quan