UET- Khởi nguồn khát vọng

   Nhân dịp Lễ khai giảng năm học 2021-2022 và chào mừng năm học mới của Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) trong bối cảnh đặc biệt, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHCN đã có những chia sẻ về niềm tin, khát vọng đối với giảng viên, cán bộ nói chung và sinh viên Nhà trường nói riêng.

   UET – News xin chia sẻ đến toàn thể giảng viên, cán bộ và sinh viên Nhà trường toàn văn bài phát biểu và các slides thuyết trình về “UET – Khởi nguồn khát vọng” của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức.

    Năm học 2021-2022 của Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) đã bắt đầu từ hôm nay, tôi gửi lời chúc năm học mới đến toàn thể cán bộ, giảng viên và người học của Trường ĐHCN với hi vọng chúng ta sẽ vượt qua những ngày khó khăn nhất của dịch Covid-19 và đạt được một năm học thành công. Trong đó, giảng viên và người học của trường ta sẽ tiếp tục đam mê, phấn đấu để trở thành những nhà công nghệ tài ba, những nhà khoa học xuất sắc và đặc biệt là trở thành những nhà khởi nghiệp thành công.

   Trong không khí vui mừng trước thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng lần thứ 13, toàn Đảng, toàn dân ta đang cùng hướng đến tầm nhìn Việt Nam 2045 – kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – với khát vọng xây dựng Việt Nam thành một quốc gia phát triển quốc gia thu nhập cao, Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của châu Á.

  Nhân dịp Lễ khai giảng năm học 2021-2022 và nói đến mục tiêu 2045 trước hết tôi muốn nhắc đến một số hồi ức về Đại học Việt Nam vào những ngày này của năm 1945 lịch sử. Theo đó, ngày 15/11/1945, tại giảng đường Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (hiện nay là Hội trường tại 19 Lê Thánh Tông) đã diễn ra Lễ khai giảng mang tính lịch sử, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. Tại buổi lễ này, GS. Nguyễn Văn Huyên – Tổng Giám đốc Đại học vụ đã phát biểu, xác lập những nhiệm vụ và đường hướng phát triển nền đại học lúc bấy giờ.

  Để toàn thể cán bộ, giảng viên và người học có thể cảm nhận được tinh thần đại học của những ngày ấy, tôi xin trích đọc lại bài phát biểu đó:

  “Thưa Cụ Chủ tịch,

  Thưa các ngài,

  Thưa các bạn,

  Tôi rất lấy làm vui mừng và cảm động, được thấy cử hành ở đây buổi lễ long trọng mở đầu một kỷ nguyên mới cho nền Đại học nước Việt Nam ta. Vậy tôi xin trình bày cùng các ngài những phương sách của Trường đại học, tôi xin thay mặt toàn Ban Đại học cảm ơn Cụ Hồ Chủ tịch đã không quản thì giờ vàng ngọc tới chủ tọa ngày lễ của chúng tôi.

  (…)
  Nhưng buổi lễ hôm nay anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn là một dịp để tỏ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hóa của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành lũy để trường kì kháng chiến, phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc ven bể Thái Bình Dương này…”.

  Lời phát biểu của GS. Nguyễn Văn Huyên cho chúng ta thấy được tinh thần và quyết tâm lớn lao của đại học đối với sự trường tồn và phát triển của quốc gia. Tinh thần đó vẫn luôn đồng hành với thời gian và được kế thừa qua nhiều thế hệ.

  Không chỉ nhớ đến không khí của Lễ khai giảng đầu tiên, chúng ta còn phải tri ân và nhắc đến những người thầy đầu tiên đã giảng dạy tại Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (ngày nay là ĐHQGHN). Theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe ký ngày 3/11/1945 thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Đồng dạy khoa Hiến pháp. Những nhà trí thức lớn gồm ông Võ Nguyên Giáp, ông Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Văn Lưu, Trịnh Văn Vịnh, Vũ Văn Hiến, Nguyễn Mạnh Tường và Nguyễn Văn Huyên giảng dạy tại khoa Kinh tế, Luật hành chính, Thương mại…

  Kế thừa truyền thống của Đại học Đông Dương (năm 1906), Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (năm 1945), đến nay là ĐHQGHN đã phát triển mạnh mẽ, trở thành đại học hàng đầu Việt Nam đã được xếp hạng trong top 800-1000 trường đại học xuất sắc nhất thế giới. Trong thành tích chung đó, Trường ĐHCN chúng ta cũng đã có đóng góp vào một số lĩnh vực như Vật lý (xếp hạng 551-600); Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin (xếp hạng nhóm 501-550). Những thành tích đạt được có sự nỗ lực rất lớn của toàn thể giảng viên, cán bộ và người học từ khi Nhà trường thành lập cho đến nay. Bên cạnh đó, Trường ĐHCN còn có đội ngũ cựu sinh viên rất thành công ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt đã khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như anh Vương Vũ Thắng, Nguyễn Hòa Bình, Lê Mai Anh, Trần Quốc Dũng, Nguyễn Khoa Bảo… cùng nhiều cựu sinh viên khác. Như vậy, đến với Trường ĐHCN sinh viên không chỉ nỗ lực, định hướng trở thành những nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc, mà còn có đam mê để phát triển thành những nhà công nghệ tài ba, những nhà khởi nghiệp đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Các bạn tân sinh viên K66 hãy tin tưởng rằng, các bạn đã có quyết định đúng đắn khi lựa chọn Trường ĐHCN làm nơi học tập, rèn luyện để ngày mai lập nghiệp và khởi nghiệp. Chúc mừng các em.

  Để Việt Nam trở thành đất nước phồn vinh và thịnh vượng thì khoa học và giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, Trường ĐHCN chúng ta phải góp phần nâng cao năng suất lao động bằng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tích cực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Muốn làm được những điều đó, cần có sự đổi mới mạnh mẽ cả trong tư duy và hành động. Bài toán phát triển ấy phải dựa vào sự tăng trưởng của GDP, làm sao mỗi năm thu nhập bình quân đầu người phải tăng thêm được 300 USD/năm thì đến năm 2045 thu nhập bình quân đầu người của nước ta đạt được mức thu nhập cao (12.350 USD/năm). Để đồng hành cùng khát vọng ấy, chúng ta phải chọn mô hình đại học để phát triển. Nhóm đại học thứ nhất là đại học định hướng ứng dụng (tập trung chủ yếu giảng dạy); nhóm 2 là đại học định hướng nghiên cứu (nghiên cứu kết hợp với đào tạo, tập trung vào công bố quốc tế); từ nhóm 2, theo quan điểm hàn lâm có thể phát triển lên mô hình đại học nhóm 4 (nghiên cứu cơ bản về những vấn đề hiện đại và đào tạo dựa vào nghiên cứu). Đấy là mô hình đại học xuất sắc, nhưng chưa gắn bó trực tiếp với việc gia tăng giá trị và của cải vật chất trực tiếp cho xã hội. Hướng đi phù hợp của chúng ta là mô hình đại học nhóm 3 – đại học định hướng đổi mới sáng tạo (đào tạo, nghiên cứu, và khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo). Trong mô hình này, nghiên cứu vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng kết hợp với đổi mới sáng tạo mở và đổi mới sáng tạo tiên phong, đại học có thể góp phần gia tăng giá trị cho xã hội và nâng cao năng lực tự chủ của mình. Đại học nhóm 5 mới là đại học đẳng cấp thế giới (với đào tạo, nghiên cứu, thương mại hóa xuất sắc). Tôi muốn các thầy cô và các em sinh viên cùng quan tâm, chia sẻ với mô hình đại học nhóm 3, khá phù hợp để chúng ta vừa đào tạo và phát triển đội ngũ các nhà công nghệ, nhà khoa học, kiến tạo cho các nhóm sinh viên thành các nhà khởi nghiệp thành công. Tôi hi vọng Nhà trường có thể chuyển hướng nhanh sang đại học nhóm 3 để những tân sinh viên K66 sẽ là những sinh viên được hưởng lợi đầu tiên của nền giáo dục đó.

  Nhân dịp này, tôi đặc biệt mong muốn truyền cảm hứng Khởi nguồn khát vọng – 5S đến toàn bộ giảng viên, người học của nhà trường. Với chủ trương và quan điểm về “Khát vọng tập thể – Thành công cá nhân – Nhà trường kiến tạo” toàn trường chúng ta, đặc biệt là lãnh đạo Nhà trường, từ năm học 2021-2022 hãy cùng nêu cao tinh thần khởi nghiệp (START-UP), phát huy thế mạnh của tư duy SỐ, định hướng đam mê và khát vọng (trở thành nhà công nghệ, nhà khoa học và nhà khởi nghiệp) thật SỚM, được tiếp cận doanh nghiệp thật SỚM và sẽ có nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc SỚM trước thời hạn.

  Cuối cùng, kính chúc các giảng viên, cán bộ và sinh viên Trường ĐHCN thân yêu: “một ngày khai giảng thật vui, một sự khởi đầu thật thuận lợi, một năm học thật thành công và một cuộc đời thật hạnh phúc”.

  Trân trọng cảm ơn!

Các slides thuyết trình về “UET – Khởi nguồn khát vọng” của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức.

Bài viết liên quan