Tự tin đón đầu xu hướng việc làm với tấm bằng Kỹ sư Kỹ thuật Máy tính
Công nghệ phát triển là xu hướng tất yếu của thời đại, điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của ngành Kỹ thuật Máy tính khi là một trong những ngành chủ lực để phát triển nền kinh tế. Đó là lý do tại sao, nhiều chuyên gia nhận định, cơ hội việc làm trong lĩnh vực này vô cùng rộng mở đối với các sinh viên sau khi tốt nghiệp, bởi nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã – đang và sẽ cần có một đội ngũ kỹ sư trình độ chuyên môn cao về Kỹ thuật Máy tính. Nếu bạn yêu thích Công nghệ – Kỹ thuật, vậy đừng bỏ lỡ ngành học tiềm năng này tại Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN (UET-VNU).
Ngành Kỹ thuật máy tính tại UET có gì đặc biệt?
Ngành Kỹ thuật Máy tính thuộc Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN là một trong những chương trình đào tạo đặc biệt có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai lĩnh vực Điện – Điện tử và Công nghệ Thông tin.
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Máy tính của Nhà trường được thiết kế và triển khai đào tạo theo cách tiếp cận CDIO của Viện MIT (Hoa Kỳ), dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế như ACM, IEEE, ABET… có tính liên thông cao với các chương trình đào tạo chất lượng cao khác như Công nghệ Thông tin, Khoa học Máy tính, và Điện tử – Viễn thông.
Với thế mạnh kết hợp giữa ngành Công nghệ Thông tin và Điện tử -Viễn thông trong trường Đại học Công nghệ, ngành Kỹ thuật Máy tính đào tạo và cũng cấp cho sinh viên các kiến thức về phương pháp, hay nguyên lý để có thể thiết kế và chế tạo ra các hệ thống phần cứng/phần mềm máy tính và hệ thống nhúng, các hệ thống tự động điều khiển thông minh hay thiết kế hệ thống nhúng ứng dụng trong sản xuất thiết bị điện tử; Công nghệ Robot công nghiệp; Xe hơi…
TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN nhấn mạnh về ưu điểm của ngành Kỹ thuật Máy tính tại UET: “Dựa trên thế mạnh về lĩnh vực Công nghệ thông tin – Truyền thông, trường Đại học Công nghệ đã xây dựng CTĐT ngành Kỹ thuật Máy tính mang tính liên ngành cao giữa hai ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông và Công nghệ Thông tin. Hai ngành này đã khẳng định được thương hiệu và cung cấp cho xã hội đội ngũ kỹ sư chất lượng cao đang công tác tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Điện tử – Viễn thông. Do đó, việc kết hợp đào tạo này sẽ giúp trang bị cho sinh viên các kiến thức được đào tạo bài bản, có nền tảng kiến thức vững vàng về Công nghệ thông tin, thiết kế chế tạo các hệ thống nhúng, hệ máy tính nhúng; các kỹ năng liên quan đến lập trình, lập trình hệ thống nhúng, hướng tới có được sản phẩm hoàn thiện đầu – cuối. Đây cũng là những sản phẩm mà xã hội hay nhiều doanh nghiệp rất quan tâm và có nhu cầu cao”
TS. Đinh Triều Dương giới thiệu các sản phẩm về chip bán dẫn với sinh viên trong khoa tại Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn của ĐHQGHN năm 2023
Bên cạnh đó, được tham gia nhiều hoạt động thực hành và thực tập để tích lũy những kinh nghiệm quý báu trong môi trường doanh nghiệp cũng là thế mạnh của sinh viên UET. “Từ năm thứ hai, sinh viên được tham gia các phòng lab thực hành, thực tập để thực hiện các bài tập các bài cơ sở, đến năm thứ ba và thứ tư sinh viên tham gia phòng thực hành để triển khai các bài tập về khối kiến thức thực hành chuyên sâu, chuyên đề. Đặc biệt, sinh viên được trải nghiệm trực tiếp môi trường doanh nghiệp tại Tập đoàn Samsung, LG, Nissan, VNPT, Viettel… Đây đều là những doanh nghiệp có hợp tác sâu trong nhiều năm với Khoa và Nhà trường trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu. – TS. Đinh Triều Dương chia sẻ.
Sinh viên Khoa Điện tử viễn thông thực hành tại các phòng thí nghiệm
Qua những chuyến thực tập này, sinh viên sẽ trực tiếp giải quyết các bài toán mà doanh nghiệp đang quan tâm, đồng thời, Nhà trường cũng có đội ngũ cán bộ kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hướng dẫn các kiến thức thực hành, nhằm đảm bảo sinh viên có sự tự tin, hòa nhập vào công việc ngay khi tốt nghiệp.
Cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên môn sâu rộng gắn với thực tiễn, chính là ưu điểm nổi bật của ngành Kỹ thuật Máy tính tại UET so với các trường đại học đào tạo cùng lĩnh vực trên cả nước.Trường Đại học Công nghệ cũng là nơi hội tụ đội ngũ giảng viên trình độ cao – là những chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực này tại Việt Nam, góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu, cũng như cam kết về chất lượng của ngành học đối với xã hội.
Những cơ hội việc làm hấp dẫn cho Kỹ sư Kỹ thuật Máy tính
Cùng với sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội việc làm dành cho các tân kỹ sư ngành Kỹ thuật Máy tính càng trở nên đa dạng, rộng mở. Dưới đây là các nhóm công việc mà sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tự tin đảm nhiệm:
- Nhóm 1: Kỹ sư kỹ thuật, thiết kế, quản lý nhóm, dự án: Có năng lực và kỹ năng tốt để làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, thiết kế, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: Điện, Điện tử- Truyền thông, Công nghệ thông tin, Điều khiển và Tự động hóa; hay làm việc trong các tập đoàn, nhà máy và các cơ sở sản xuất liên quan đến thiết kế, chế tạo các thiết bị phần cứng, phần mềm, các hệ thống nhúng, các bộ vi xử lý v.v
- Nhóm 2: Chuyên gia phân tích, tư vấn, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức: Có năng lực và kỹ năng tốt để làm việc tại các công ty và tổ chức tư vấn, doanh nghiệp, các Bộ và sở, ban, ngành liên quan; đảm nhận các vị trí công việc: thiết kế phát triển các sản phẩm mẫu, tư vấn sản phẩm công nghệ, phụ trách dịch vụ sau bán hàng…,
- Nhóm 3: Nghiên cứu viên và giảng viên: Có khả năng nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu; tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan Kỹ thuật Máy tính; trợ lý giảng dạy, giảng viên dạy các học phần thuộc ngành đào tạo; phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới; có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên, nhà quản lý.
Những Kỹ sư “sáng giá” trưởng thành từ mái trường UET
Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN là “cái nôi” đào tạo cho nhiều thế hệ sinh viên gặt hái những thành tựu trong quá trình học tập, cũng như phát triển sự nghiệp của mình. Kỹ sư Nguyễn Hoài Nam – Cựu sinh viên khóa QH-2018-I/CQ, ngành Kỹ thuật Máy tính cũng là một trong số đó.
Nguyễn Hoài Nam, sinh viên khóa QH-2018-I/CQ ngành Kỹ thuật máy tính (khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Trong suốt thời gian học tập tại Trường, nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình từ thầy cô đã giúp Nam càng thêm yêu thích ngành học mà mình theo đuổi. Không chỉ có môi trường học tập lý tưởng, Nam cho biết, sinh viên UET cũng vô cùng năng động, sáng tạo khi tham gia nhiều cuộc thi trí tuệ lớn, bản thân Nam cũng đã từng “thử sức” và giành được Huy chương bạc Olympic Toán học sinh viên toàn quốc năm 2019. Với kiến thức tích lũy được trên giảng đường và thông qua những buổi học thực hành, thực tập thực tế, Nguyễn Hoài Nam đã được tuyển dụng sớm vào Công ty SETA International Việt Nam với vị trí kỹ sư phần mềm khi mới là sinh viên năm thứ 4.
Kỹ sư Đặng Tài Đạt – Cựu sinh viên Khóa QH-2019-I/CQ, thủ khoa tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Máy tính cũng lựa chọn UET là “trạm dừng” thanh xuân để “nạp” những kiến thức, kỹ năng trước khi bước vào con đường phát triển sự nghiệp. Đạt chia sẻ: “Trong những năm gần đây, ngành Kỹ thuật Máy tính là một ngành mới được đào tạo, nên nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành này còn thiếu. Do đó, sinh viên tốt nghiệp ngành này có lợi thế lớn trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm… Đặc biệt, khi trở thành một UETers, mình được hòa vào “mảnh đất học thuật”, kết nối, gặp gỡ với những người bạn cùng đam mê nghiên cứu khoa học, từ đó giúp mình nhận thấy hướng nghiên cứu lĩnh vực điện tử ứng dụng và ngành nghề mà bản thân lựa chọn hoàn toàn đúng đắn.”
Kỹ sư Đặng Tài Đạt – Cựu sinh viên Khóa QH-2019-I/CQ, thủ khoa tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Máy tính
Hiện tại, Đặng Tài Đạt đang là Kỹ sư lập trình nhúng tại Viettel IC Center – VHT, sống với đam mê và không ngừng học hỏi để phát triển bản thân.
Bên cạnh việc được học tập trong môi trường thúc đẩy tư duy, sáng tạo, thụ hưởng cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ tốt nhất cho quá trình thực hành, nghiên cứu, cơ hội tham gia nhiều chương trình thực tập, thực tế, tiếp cận việc làm sớm, rinh nhiều học bổng giá trị cao như: Học bổng Honda YES trị giá 3000 USD, học bổng ADF trị giá 2000 USD/năm, học bổng Posco trị giá 1000 USD/năm, học bổng LG Display 35 triệu VNĐ/năm, Học bổng Appendix 35 triệu VNĐ/năm… sinh viên UET còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích để phát triển toàn diện về kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ, trau dồi kinh nghiệm sống,…
Với những lợi thế chỉ có ở UET, bạn còn ngần ngại điều gì mà không sẵn sàng trở thành những tân sinh viên khóa tiếp theo của ngành Kỹ thuật Máy tính – đón đầu xu hướng việc làm thời đại công nghiệp 4.0?
(UET-News)
Bài viết liên quan: