Lễ ký kết “đối tác công nghệ chiến lược” giữa Trường Đại học Công nghệ và Đại học Công nghệ Sydney, Úc
Ngày 17/05, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN và Đại học Công nghệ Sydney (UTS, Úc) đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ tại Tòa nhà G3.
Tham gia lễ ký kết về phía ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc, GS.TS. Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo; TS. Vũ Tuấn Anh – Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ. Về phía Trường Đại học Công nghệ có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng; PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Xuân Tú – Trưởng phòng KHCN&HTPT cùng các lãnh đạo khoa và phòng ban chức năng của nhà trường. Đại học Công nghệ Sydney có sự tham dự của GS. TS. Ian Burnett – Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, GS. Eryk Dutkiewicz – Chủ nhiệm Khoa Điện toán và Truyền thông.
Toàn cảnh diễn ra lễ ký kết
Phát biểu tại lễ ký kết, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà khẳng định trường Đại học Công nghệ Sydney (Úc) là đối tác công nghệ chiến lược của Nhà trường. Trường ĐHCN và Đại học công nghệ Sydney đã có những hợp tác chặt chẽ về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năm 2017, Nhà trường đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác song phương và phối hợp tổ chức Hội thảo “Trường nghiên cứu về Các công nghệ tiên tiến trong ứng dụng Internet-of-Things”, đồng thời tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm hợp tác Nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ (JTIRC).
Trong khi đó, UTS là một trong những trường hàng đầu ở Úc với mô hình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ điển hình, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới. Nhà trường hy vọng hợp tác giữa UTS với Trường ĐHCN nói riêng và ĐHQGHN nói chung sẽ mở ra những cơ hội mới cho cả hai bên để xây dựng một hình mẫu cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong giáo dục đại học và phát triển công nghệ.
Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu tại buổi lễ
Trước đó, ngày 15/03/2017, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU–UET) và Đại học Công nghệ Sydney (UTS, Úc) đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác song phương và phối hợp tổ chức Hội thảo “Trường nghiên cứu về Các công nghệ tiên tiến trong ứng dụng Internet-of-Things” (RS2017). Ngày 17/3/2017, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và ĐH Công nghệ Sydney, Úc đã tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm hợp tác Nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ (JTIRC). Trung tâm JTIRC là nơi đón các giáo sư, nghiên cứu sinh của cả UTS cũng như ĐHQGHN đến làm việc và nghiên cứu trong khuôn khổ các dự án quốc tế gắn liền với bài toán đặt hàng từ doanh nghiệp.
Lễ ký kết diễn ra thành công
Sau 14 tháng hoạt động, JTIRC đã tuyển được 6 nghiên cứu sinh làm việc toàn thời gian, được cấp học bổng nghiên cứu 9 triệu đồng/tháng, 13 giáo sư tham gia hướng dẫn nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu, bắt đầu triển khai 2 đề tài nghiên cứu chung và xây dựng nhiều đề xuất nghiên cứu song phương. Với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, ngày 31/10/2017, JTIRC đã mời được Tập đoàn FPT tham gia hợp tác nghiên cứu và nhất trí tài trợ cho ít nhất 3 nghiên cứu sinh với kinh phí lên tới 700 triệu đồng/nghiên cứu sinh.
Các lĩnh vực nghiên cứu của hai bên thông qua trung tâm JTIRC bao gồm: IoT và di động thế hệ 5G; Trí tuệ nhân tạo; Phân tích dữ liệu (y tế, thương mại, sức khỏe); Công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch; Thiết kế điện tử RF; Giao diện não – máy tính; Công nghiệp 4.0, thành phố thông minh; Nông nghiệp công nghệ cao…
Trường Đại học Công nghệ Sydney được thành lập vào năm 1988 và đã nhanh chóng xây dựng được danh tiếng quốc tế vì sự vượt trội trong hoạt động giảng dạy định hướng nghề nghiệp và nghiên cứu thực tiễn, xếp hạng 272 trong Bảng xếp hạng Các Trường đại học Thế giới (2012) của Quacquarelli Symonds (QS World), xếp vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng các trường đại học Úc. Trường khuyến khích học tập trong một môi trường quốc tế và cung cấp chương trình giáo dục đại học cho hơn 30.000 sinh viên, bao gồm hơn 7.500 sinh viên quốc tế từ hơn 115 quốc gia. Trường đào tạo các ngành học như Kinh doanh, Truyền thông, Giáo dục, Kỹ thuật, CNTT…
Tuyết Nga (UET-News)