Triển khai thành công “Hệ thống Tối ưu hóa lập lịch ca trực vận hành” do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ thực hiện tại hai Nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu

    “Hệ thống lập lịch ca trực tối ưu” do phòng thí nghiệm (PTN) Tối ưu hóa các hệ thống lớn (gọi tắt là ORLab), trường Đại học Công nghệ, (ĐHQGHN) thực hiện đã được Công ty Thủy điện Sơn La chính thức nghiệm thu việc triển khai và áp dụng thành công tại hai nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu, vào ngày 08/08/2019 vừa qua.

    Thủy điện Sơn La và Lai Châu là hai trong số các nhà máy thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh đối với đất nước. Vì vậy, hoạt động của nhà máy cần được giám sát liên tục 24/24 trong 3 ca trực. Ngoài việc trực, mỗi nhân viên vận hành còn phải làm nhiều công việc khác như vệ sinh công nghiệp (VS), thực tập diễn tập phòng chống sự cố, các công việc hành chính (lịch đi T), v…v. Chức năng chính của hệ thống xếp lịch trực là cần quyết định xem nên xếp nhân viên nào làm công việc gì tại ca nào, ngày nào trong tháng thỏa mãn hàng chục các yêu cầu phức tạp của ban quản lý và nhân viên nhà máy.

    Sau hơn một năm với sự phối hợp nghiên cứu và triển khai của nhà máy thủy điện Lai Châu, PTN ORLab đã thành công cho ra đời hệ thống lập lịch ca trực tự động và chính thức được đưa vào sử dụng tại nhà máy thủy điện Lai Châu từ tháng 4 năm 2019, nhà máy thủy điện Sơn La từ tháng 7 năm 2019. Ngoài việc đảm bảo các tiêu chí ràng buộc cố định của ca trực sản xuất như mỗi ca trực phải có đủ số lượng nhân viên ở từng vị trí theo quy định, thời gian nghỉ tối thiểu mỗi ca là 8 giờ, đảm bảo số ngày công của từng nhân viên theo từng tháng, sắp xếp lịch đi vệ sinh công nghiệp VS1, VS2 cùng lịch ca trực…, hệ thống lập lịch tự động còn tối ưu được các ràng buộc mà việc xếp lịch thủ công không thể thực hiện được: (1) tối đa hóa số người trong cùng kíp trực có lịch trực ca và lịch đi T cùng nhau, phát huy vai trò đào tạo và tinh thần tập thể của từng kíp trực; (2) cân bằng ngày công đi ca 1, ca 2, ca 3, đi VS giữa các nhân viên vận hành cùng chức danh, cân bằng vị trí trực giữa các chức danh có từ hai vị trí trực trở lên; (3) cho phép nhân viên được chọn đợt nghỉ bù mong muốn đề giải quyết công việc gia đình; (4) ưu tiên nhân viên được trực ca 1 trước đợt nghỉ bù và đi ca 2 sau đợt nghỉ để phù hợp tối đa với lịch trình xe khách các tuyến đi – về.

       Ngoài đáp ứng tốt mong muốn của nhân viên và ban quản lý nhà máy, chương trình lập lịch ca trực tối ưu còn giúp hai nhà máy thủy điện tự động hóa hoàn toàn quá trình xếp lịch. Thời gian lập lịch được giảm một cách rõ rệt từ nhiều ngày (lập lịch thủ công) xuống còn một giờ đồng hồ (lập lịch bằng phần mềm).

 

 Một buổi làm việc của PTN ORLab tại nhà máy thủy điện Lai Châu

      Nói về độ phức tạp của bài toán lập lịch tại hai nhà máy thủy điện, TS. Hà Minh Hoàng, nghiên cứu viên tại PTN ORLab cho biết: “Lập lịch tháng (30 ngày) cho gần 100 nhân viên cùng lúc với hàng chục yêu cầu, ràng buộc phát sinh từ thực tế vận hành là một bài toán lớn. Năng lực tính toán của con người có hạn, không thể tính hết được các khả năng có thể xảy ra để tìm được lời giải tối ưu nhất. Sử dụng các phương pháp hiện đại của Toán tối ưu và khoa học máy tính, chúng tôi thiết kế các thuật toán thông minh để giải bài toán bằng máy tính”.

      “Để có thể giải được thành công bài toán phức tạp này, nhóm chúng tôi đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ đắc lực của những kỹ sư không những giỏi về hệ thống điện mà còn rất đam mê công nghệ thông tin tại hai nhà máy thủy điện. Tiêu biểu là quản đốc của phân xưởng vận hành nhà máy thủy điện Lai Châu, ông Đỗ Việt Bách, với việc nhận thức rõ tầm quan trọng của lịch trực nên rất quyết tâm theo đuổi dự án đến cùng. Không có họ, chắc chắn phần mềm này đã không thể áp dụng được vào trong thực tế như hiện tại”, TS. Hoàng cho biết thêm.

Quản đốc Việt Bách (ngoài cùng, bên phải ảnh) và TS. Hà Minh Hoàng tại phòng điều khiển trung tâm

     Quản đốc Đỗ Việt Bách cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ máy tính có thể xếp được một lịch làm việc hợp lý đến như vậy. Chương trình của PTN ORLab tối ưu được các ràng buộc khó xếp được lịch vượt trội hoàn toàn so với lịch xếp thủ công trước đây. Chẳng hạn như với lịch xếp thủ công mỗi anh em công nhân chỉ được nghỉ tối đa 6 đến 7 ngày liên tục nhưng không trọn vẹn do phải mất thời gian di chuyển, trong khi đó với lịch xếp máy, mọi người có thể nghỉ liên tục 7 tới 9 ngày trọn vẹn mà vẫn đảm bảo đủ ngày công lao động trong tháng. Điều này vô cùng quan trọng vì nhà máy Lai Châu ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn. Mọi người ai cũng muốn trong tháng có một đợt nghỉ dài để có đủ thời gian về thăm và chăm sóc gia đình. Lịch trực khoa học và hợp lý giúp nâng cao hiệu quả ca trực một cách rõ rệt. Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ tiếp tục cộng tác cùng phòng thí nghiệm ORLab để cho ra đời nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao phục vụ nhu cầu quản lý điều hành tối ưu nhà máy”.

 

Đoàn công tác của PTN ORLab tại nhà máy thủy điện Lai Châu

Phòng thí nghiệm tối ưu hóa các hệ thống lớn (ORLab) là phòng thí nghiệm mục tiêu, trực thuộc khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN. Ngoài sản phẩm lập lịch ca trực tối ưu đang được sử dụng tại nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu, PTN còn thực hiện các dự án nghiên cứu giải quyết các bài toán tương tự cho Tokyo Gas (công ty cung cấp Gas qua đường ống dẫn lớn nhất Nhật Bản), Planday (start-up hiện đang dẫn đầu thị trường châu Âu và Bắc Mỹ về các giải pháp quản lý nhân viên trực ca kíp của Đan Mạch), và Tập đoàn Công nghiệp Viettel.

Nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu là hai công trình thủy điện lớn thứ nhất và thứ ba khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Trong đó, thủy điện Sơn La có 6 tổ máy với công suất lắp đặt 2.400 MW, sản lượng điện trung bình năm là 10,246 tỷ kWh. Thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, với sản lượng phát điện trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh. Đây là hai công trình xây dựng cấp đặc biệt được Quốc hội trực tiếp phê duyệt, được Thủ tướng chính phủ ký Quyết định là công trình quan trọng có liên quan đến an ninh quốc gia. Hai nhà máy này thuộc quyền quản lý của Công ty Thủy điện Sơn La. Tính đến hết tháng 4/2019, công ty đã nộp 14 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí cho 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Cụ thể, nhà máy thủy điện Sơn La nộp 11.340 tỷ đồng; thủy điện Lai Châu nộp 2.834 tỷ đồng.

 (UET-News)

Bài viết liên quan