Ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa – Ngành học bắt nhịp với xu thế của thời đại
Bạn mơ ước một ngày nào đó mình sẽ chế tạo ra một con robot giúp ích cho cuộc sống, hay đơn thuần bạn muốn mình là người vận hành kỹ thuật tại các nhà máy điện, cao hơn là Giám đốc kỹ thuật tại một doanh nghiệp… thế thì đừng chần chừ để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi ngành “Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa là gì? Ra trường làm gì?”
Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU – UET) sẽ giúp bạn khám phá giới hạn, cũng như tìm kiếm đam mê của bản thân.
Lợi thế chỉ có ở Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, Việt Nam đang bước vào giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, bất cứ ngành nghề kỹ thuật nào cũng cần đến tự động hóa. Phải khẳng định rằng, hệ thống điều khiển và tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của tất cả các ngành kinh tế. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành này luôn có thu nhập cao và không bao giờ sợ thất nghiệp trong hiện tại và tương lai. Có thể hiểu, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá là ngành học nghiên cứu, thiết kế, vận hành các hệ thống tự động, các dây chuyền sản xuất tự động tại các nhà máy (xi măng, sắt thép, nước giải khát, dược phẩm,…); thiết kế, điều khiển và chế tạo robot; quản lý sản phẩm tại các công ty trong và ngoài nước kinh doanh về các thiết bị điện tử tự động…
Cụ thể, nếu theo học chương trình đào tạo Kỹ sư Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức và kỹ năng chuyên môn thuộc một trong các lĩnh vực như Điều khiển các thiết bị và hệ thống tự động; Tự động hóa sản xuất và truyền thông trong công nghiệp; Lĩnh vực chế tạo và điều khiển robot;…
Hiện ngành này được coi là một trong những ngành “hot” tại các trường đại học có đào tạo khối kỹ thuật như Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Theo PGS.TS Phạm Mạnh Thắng – Chủ nhiệm Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN nhấn mạnh: “Phương châm của ĐHQGHN nói chung và của Khoa nói riêng là “phát huy thế mạnh về khoa học cơ bản của ĐHQGHN để phát triển các ngành công nghệ trọng điểm” cộng hưởng với mô hình hoạt động “kết hợp giữa viện nghiên cứu và trường đại học, gắn nghiên cứu – triển khai với sản xuất – kinh doanh”. Khoa đang tổ chức đào tạo 3 chương trình bậc đại học, 2 chương trình thạc sĩ, 1 chương trình tiến sĩ, với hơn 40 cán bộ, giảng viên, các hướng nghiên cứu chính gồm Công nghệ Cơ điện tử, Tự động hóa và Robotics; Cơ học sông, biển, khí quyển và môi trường; Cơ học công trình; Chẩn đoán kỹ thuật công trình; Cơ học thủy khí công nghiệp; Hàng không vũ trụ; Cơ học vật liệu và kết cấu composite”.
Sinh viên của Khoa khi ra trường có tỷ lệ việc làm đúng chuyên ngành cao, được nhiều nhà tuyển dụng ưu tiên sử dụng và cấp học bổng trước khi sinh viên tốt nghiệp. Hàng năm Khoa nhận được rất nhiều đề nghị tuyển dụng sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá của các doanh nghiệp, tuy nhiên Khoa phải ưu tiên các doanh nghiệp lớn bởi số lượng sinh viên ra trường không đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp. Thậm chí, các Tập đoàn, Doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến đặt vấn đề với nhà trường để kết nối và nhận sinh viên đi làm từ năm thứ 3.
Nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp của Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
Đúng như tên gọi, ngành này thực hiện điều khiển và tự động hóa các dây chuyền sản xuất công nghiệp trong các nhà máy. Kỹ thuật điều kiển có một cơ sở nền tảng khoa học vững chắc, đảm bảo cho việc điều khiển một cách nhanh chóng, chính xác đạt hiệu suất cao với các dây chuyền sản xuất phức tạp. Với sự ra đời của các mạch điều khiển điện tử, các cảm biến tự động, thủy lực, khí nén… người ta có đủ cơ sở và công cụ để tăng lên mức tự động hóa của các máy móc công nghiệp.
Với xu thế phát triển của xã hội, một vấn đề đặt ra là nhu cầu của con người thay đổi quá nhanh, nhu cầu sản xuất sản phẩm thay đổi liên tục. Mỗi lần thay đổi sản xuất sản phẩm mới là mỗi lần phải thay đổi lại toàn bộ các máy móc thiết bị, dẫn đến các hệ thống sản xuất dễ bị lỗi thời. Yêu cầu bức thiết đặt ra là làm sao để một dây chuyền có thể sản xuất linh hoạt với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau mà không cần phải thay thế, làm lại các thiết bị máy móc.
Do đó, sự ra đời tiếp theo của PLC và máy tính cùng với sư phát triển khoa học điều khiển… hệ thống sản xuất linh hoạt như yêu cầu ở trên đã trở thành hiện thực và trở nên phổ biến. Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là một ngành khá rộng, liên quan đến hầu hết mọi kỹ thuật khoa học công nghệ hiện đại nhất cho sản xuất.
Tuy nhiên trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Khoa, sinh viên được trang bị kiến thức có hệ thống và hiện đại về toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ; có kiến thức cơ bản về lý thuyết điều khiển, tự động hóa trong sản xuất; nhận dạng hệ thống. Hiểu và vận dụng bài bản các qui trình, nguyên lý, phương pháp phân tích, kỹ thuật thiết kế, lập trình điều khiển và vận hành các hệ thống và thiết bị tự động. Có kiến thức về các hệ thống điều khiển tự động ứng dụng PLC và SCADA, các chuẩn mạng truyền thông trong công nghiệp; các hệ truyền động, các thiết bị tự động.
Ngoài ra, sinh viên còn được vận hành, lập trình trên các loại PLC và các phần mềm SCADA thông dụng, các chuẩn mạng truyền thông trong công nghiệp, các cách thức vận hành và lắp đặt cho các hệ truyền động, các thiết bị tự động, các lý thuyết cơ bản của hệ thống điều khiển tự động. Dựa trên những nền tảng kiến thức và thực hành trong thực tế, sinh viên Ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa sẽ có được tư duy tổng hợp tốt, tư duy logic tốt, có năng lực sáng tạo để giải quyết các bài toán ứng dụng cụ thể, có năng lực tự học để nắm bắt các công nghệ, công cụ, kỹ năng mới trong thiết kế các hệ thống Điều khiển và Tự động hóa.
Bên cạnh việc bồi dưỡng chuyên sâu, sinh viên của Khoa sẽ được tham gia nhiều các hoạt động của Đoàn – Hội, tập trung nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm để rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm, tính kỷ luật và khả năng giao tiếp, khả năng tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phù hợp với môi trường làm việc năng động và xu thế hội nhập cao; có khả năng tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn, tích lũy kinh nghiệm để trở thành nhà lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa.
Sau 4,5 năm học tập và trải nghiệm trên ghế Nhà trường, sinh viên hoàn toàn tự tin về năng lực và phẩm chất để làm việc với vị trí lập trình viên trình độ cao cho các công ty phát triển phần mềm nhúng và phần mềm điều khiển của các công ty trong và ngoài nước. Đặc biệt thích hợp cho các vị trí trong các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ hiện đại và sáng tạo như phát triển các hệ thống điều khiển thông minh, điều khiển thích nghi. Khả năng làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong các cơ quan tổ chức phát triển và ứng dụng Tự động hóa trong nước.
Điều các bạn quan tâm là nơi công tác hay vị trí việc làm sau 4,5 năm học tập tại Khoa. Với chất lượng đào tạo và hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp về cơ khí và tự động hóa, sinh viên tốt nghiệp Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có thể công tác tại các Viện Nghiên cứu Điện tử – tin học – Tự động hóa, Viện ứng dụng công nghệ, Trung tâm thiết kế vi mạch, các Khu công nghệ cao,… Những bạn nào có đam mê hoặc muốn phát triển nghiên cứu có thể làm giảng viên hoặc chuyên viên nghiên cứu tại các trường đại học hoặc các doanh nghiệp sản xuất trong nước và quốc tế, cũng như doanh nghiệp tư vấn kỹ thuật, kinh doanh thiết bị tự động hoặc chuyển giao công nghệ có chuyên ngành Điều khiển tự động trong nước…
Đặc biệt là để sinh viên đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngay từ năm thứ ba, năm thứ tư, Khoa thường xuyên kết hợp với các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực như Samsung, Nissan, LG Display,…. để tổ chức các buổi hội thảo chuyên ngành và tham quan thực tế cho sinh viên. Trong quá trình thực tập tại các doanh nghiệp, sinh viên sẽ được tham gia và rèn luyện qua các lớp kỹ năng thực tế để trải nghiệm môi trường, văn hóa doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa PGS.TS Phạm Mạnh Thắng cho biết: “Với sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực các ngành Cơ học kỹ thuật cũng như ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử chất lượng cao ở trình độ đại học và sau đại học, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao cho xã hội các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực Cơ học kỹ thuật và Công nghệ Cơ điện tử. Chính vì vậy để có nhiều công trình sản phẩm ứng dụng với thực tiễn của xã hội đang cần, tôi tin tưởng các thế hệ sinh viên ngành Kỹ sư Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa do Khoa đào tạo sẽ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Từ việc triển khai ngành học này, Khoa sẽ mở rộng cơ hội hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới, thu hút nhiều chuyên gia giỏi từ các nước về Khoa để giảng dạy và nghiên cứu, cũng như mở ra những cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn công nghiệp lớn trong nước và quốc tế ở lĩnh vực này. Các chương trình đào tạo trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên môn toàn diện, hiểu nguyên lý, quy luật tự nhiên – xã hội, có kỹ năng thực hành kỹ thuật cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa”.
Bài viết liên quan:
Lựa chọn ngành Kỹ thuật năng lượng: Bước đệm trở thành công dân toàn cầu, nâng tầm sự nghiệp
Ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu: Thị trường “khát” nhân lực, cơ hội việc làm rộng mở
Vật lý Kỹ thuật – Ngành học tiên phong trong lĩnh vực công nghệ mới
Sở hữu tấm bằng Kỹ sư Robot, nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại các công ty trong nước và quốc tế
Cẩm Ly (UET-News)