ĐHQGHN – 30 năm đổi mới, sáng tạo: Trường Đại học Công nghệ là một trong những trường đại học thành viên tích cực đóng góp vào sự phát triển ĐHQGHN

Ngày 10/12/2023, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) đã có nhiều sản phẩm đào tạo và khoa học và công nghệ tiêu biểu tham gia triển lãm tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN và 117 năm truyền thống do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, tại Khu đô thị ĐHQGHN ở Hòa Lạc.

Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường ĐH Công nghệ tại gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của Nhà trường

Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN và 117 năm truyền thống là mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển ĐHQGHN; là dịp để ĐHQGHN tri ân và tăng cường kết nối, hợp tác với các bộ ban ngành trung ương, địa phương; các doanh nghiệp và đối tác trong và ngoài nước; đặc biệt là để tri ân các  thế hệ thầy trò trong suốt 30 năm qua đã đồng hành vì sự phát triển của ĐHQGHN, qua đó giữ vững truyền thống, phát huy những giá trị cốt lõi, bồi đắp niềm tự hào và tăng cường tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận trong triển khai chiến lược phát triển ĐHQGHN giai đoạn mới; đặc biệt đây chính là dịp để ĐHQGHN nhìn nhận, đánh giá những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, và hoạch định Chiến lược, những định hướng quan trọng để đưa ĐHQGHN phát triển lên tầm cao mới trong bối cảnh mới của đất nước và của thời đại.

Đ/c Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ĐHQGHN

Bên cạnh các hoạt động ĐHQGHN tặng hoa tri ân các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ, trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ĐHQGHN, còn diễn ra hoạt động triển lãm tại buổi lễ gồm triển lãm về thành tựu khoa học công nghệ, triển lãm  ảnh “Đại học Quốc gia Hà Nội – 30 năm xây dựng và phát triển”, triển lãm “Dòng chảy kết nối” cùng các hoạt động văn nghệ, hội trại chào mừng.

TS. Bùi Đình Tú (thứ 4, từ phải sang) – Phó Chủ nhiệm, phụ trách khoa Vật lý kỹ thuật & Công nghệ Nano nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ĐHQGHN

Trường ĐH Công nghệ là một trong những trường đại học thành viên của ĐHQGHN, góp phần xây dựng ĐHQGHN thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, có uy tín trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, Trường ĐH Công nghệ đã trưng bày nhiều sản phẩm, thành tựu về đào tạo và khoa học công nghệ của trường. Các sản phẩm khoa học và công nghệ của Trường ĐH Công nghệ có nhiều ứng dụng thực tiễn, được cấp bằng sở hữu trí tuệ và các sản phẩm trong lĩnh vực chip ứng dụng trong y tế. Sản phẩm “Chip vi lưu tạo vi giọt (microdroplet) và đóng gói tế bào” do GS.TS. Chử Đức Trình cùng nhóm nghiên cứu, triển khai tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo phát hiện và đếm số lượng tế bào trong vi giọt. Từ đó phân loại vi giọt chứa đơn tế bào ứng dụng phân tích đơn tế bào. Công nghệ chế tạo sử dụng phòng sạch tại Việt Nam. Sản phẩm “Hệ thống thiết bị đo và định vị từ trường trái đất dựa trên hiệu ứng Từ giảo – Áp điện, tích hợp kỹ thuật định vị GPS phục vụ thăm dò và xây dựng bản đồ từ trường trái đất”, do nhóm nghiên cứu PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang – Phó Chủ nhiệm khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano, đồng Giám đốc Phòng thí nghiệm Công nghệ Micro và nano triển khai. Sản phẩm này, có bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hiệu ứng, vật liệu cũng như thiết bị mà nhóm đã nghiên cứu hoàn thiện.

GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của Nhà trường

Sản phẩm “Hệ thống thiết bị đo và định vị từ trường trái đất dựa trên hiệu ứng Từ giảo – Áp điện, tích hợp kỹ thuật định vị GPS phục vụ thăm dò và xây dựng bản đồ từ trường trái đất”

Một số sản phẩm được áp dụng thực tế và đưa vào sử dụng, cụ thể là: “Hệ thống dịch máy đa ngữ UET – TS. Nguyễn Văn Vinh” được đưa vào sử dụng tại website www.dichmay.itrithuc.vn; Blife: Hệ thống trợ giúp giao tiếp cho người tổn thương chức năng vận động – TS. Lê Thanh Hà. Hệ thống đã được nhóm nghiên cứu phối hợp với Bệnh viện Quân y 103 sử dụng trên một số bệnh nhân. Kết quả cho thấy, người bệnh chức năng mắt khỏe, có thể nhập trung bình 40-50 ký hiệu/phút, người có chức năng mắt yếu hơn, tốc độ nhập 15-20 ký hiệu/phút.

Sinh viên ĐHQGHN trải nghiệm Blife: Hệ thống trợ giúp giao tiếp cho người tổn thương chức năng vận động

Hệ thống điện gió Savonius cải tiến” do TS. Lê Đình Anh (Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ) triển khai, xuất phát từ thực tiễn ngày nay tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh tại Việt Nam, tình hình thiếu điện cho sinh hoạt và phục vụ công nghiệp ngày càng trở nên trầm trọng, nhất là vào mùa cao điểm nắng nóng. Bên cạnh đó, trên thế giới nguồn năng lượng hóa thạch được sử dụng đang ngày càng suy giảm gây thiếu hụt năng lượng cho sự phát triển xã hội. Do vậy, nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng sạch với hiệu suất cao là yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tương lai. Điển hình như, ở nước ta tình trạng thiếu điện và cắt điện luân phiên ở một số tỉnh/thành phố ngay từ những ngày đầu mùa hè tháng 5/2023 đã gây tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Điều đó cho thấy nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống để giảm tải cho lưới điện quốc gia là vô cùng cấp thiết. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo nói chung, và năng lượng gió nói riêng có thể góp phần hỗ trợ an sinh xã hội như cung cấp điện năng cho các hộ nghèo miền núi và hải đảo chưa thể tiếp cận điện lưới. Nhóm nghiên cứu đề tài đã chế tạo một loại tuabin gió cỡ nhỏ, dễ sản xuất, phù hợp với điều kiện gió ở nước ta. Bước đầu nhóm nghiên cứu đã đạt được các kết quả khả quan và công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong ngành. 

Giảng viên viên Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ Bành Đức Minh (bên phải ảnh) thành viên nhóm nghiên cứu “Hệ thống điện gió Savonius cải tiến”

Ngoài các sản phẩm khoa học và công nghệ, Trường ĐH Công nghệ còn trưng bày các xuất bản phẩm gồm các giáo trình về khoa học và công nghệ là các công trình nghiên cứu của giảng viên trong Trường để phục vụ giảng dạy, cập nhật những kiến thức công nghệ mới nhất đến sinh viên. Hoạt động trưng bày, triển lãm sách góp phần giới thiệu, quảng bá các xuất bản phẩm có giá trị khoa học, thực tiễn phù hợp với nhiệm vụ đào tạo, kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn và sứ mệnh bồi dưỡng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Đặc biệt, cuốn sách về GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Nhà Vật lý lỗi lạc (kỷ niệm 85 năm ngày sinh 21/7/1938-21/7/2023), là tập hợp những bài viết của các nhà khoa học, đồng nghiệp, học trò của Giáo sư tại nhiều đơn vị công tác nói chung và Trường ĐH Công nghệ nói riêng. Cuốn sách là những câu chuyện, kỷ niệm và quá trình GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu sáng lập ra Trường ĐH Công nghệ ngày nay (tiền thân là Khoa Công nghệ).

Cuốn sách GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Nhà Vật lý lỗi lạc (kỷ niệm 85 năm ngày sinh 21/7/1938-21/7/2023)

Các sản phẩm khoa học công nghệ của Trường ĐH Công nghệ tại Lễ kỷ niệm:

– Khoa Công nghệ thông tin: Hệ thống dịch máy đa ngữ UET – TS. Nguyễn Văn Vinh; Blife: Hệ thống trợ giúp giao tiếp cho người tổn thương chức năng vận động – TS. Lê Thanh Hà.

– Trung tâm Công nghệ Tích hợp Liên ngành Giám sát Hiện trường: Nền tảng hội chợ triển lãm thực tế ảo – TS. Bùi Quang Hưng.

– Khoa Công nghệ nông nghiệp: Hệ thống phân tích hạt phục vụ chọn giống cây trồng – ThS. Vũ Minh Trung.

– Khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano: Hệ thống LED chiếu sáng cho cây trồng giá trị cao và Các hệ thống giám sát thông minh trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ IoT – ThS. Nguyễn Đăng Cơ, Thiết bị giám sát, cảnh báo và kiểm soát độ mặn của nước sông phục vụ trong nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu – TS. Bùi Đình Tú

– Khoa Điện tử viễn thông: ADVC: Chip vi chấp hành nhiệt điện tích hợp cảm biến công nghệ CMOS – ThS. Phan Hoàng Anh; Chip vi lưu tạo vi giọt (microdroplet) và đóng gói tế bào – ThS. Phan Hoàng Anh; Bộ thực hành Trải nghiệm & Khám phá Robot – KS. Đinh Bảo Minh.

– Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ: Hệ thống điện gió Savonius cải tiến – KS. Bành Đức Minh.

– Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ micro và nano: Trạm thu di động thông tin vệ tinh dùng cho tàu biển – ThS. Hồ Anh Tâm; Hệ thống thiết bị đo và định vị từ trường trái đất dựa trên hiệu ứng Từ giảo – Áp điện, tích hợp kỹ thuật định vị GPS phục vụ thăm dò và xây dựng bản đồ từ trường trái đất – ThS. Vũ Nguyên Thức.

Một số hình ảnh Trường Đại học Công nghệ tại triển lãm

Ban lãnh đạo ĐHQGHN thăm quan gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của Trường ĐH Công nghệ

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức (hàng trước, thứ 4, từ trái sang) – Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN và PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình (hàng trước, thứ 5, từ trái sang) – Nguyên Bí thư Đảng ủy, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN tham quan gian trưng bày của Trường.

Gian ẩm thực của Công đoàn Trường ĐH Công nghệ

Gian trại của Đoàn Thanh niên Trường ĐH công nghệ tại Hội trại sắc màu năm 2023

Hình ảnh phối cảnh Trường ĐH Công nghệ tại Khu đô thị ĐHQGHN Hòa Lạc

(UET-News)

Bài viết liên quan